Gỡ nút thắt xuất khẩu chè giá rẻ
Ngành chè với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từng được ví như 'vàng xanh' của đất nước, song giá chè xuất khẩu vẫn còn thấp. Theo đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam, phải tạo được liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng mới nâng cao giá bán lên được. Nếu cứ 'dìm nhau', phân tán, phân chia thị trường thì khó thoát khỏi bẫy giá rẻ của thế giới.
Nhiều trăn trở, thua thiệt
“Trong 6 cây công nghiệp chủ lực, chỉ riêng cây chè có nguồn gốc Việt Nam, các cây còn lại du nhập từ nước ngoài. Vì vậy, phát triển ngành chè vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ để cây chè tương xứng với vị thế của loại cây bản địa Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết tại Diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao" do Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) phối hợp tổ chức ngày 5.11.
Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%. Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000ha, giảm khoảng 12.000ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trái ngược với diện tích, năng suất chè tăng từ 85,9 tạ/ha lên 100,3 tạ/ha trong khoảng thời gian này, do thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, cây chè vẫn ghi nhận sự tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Quốc Mạnh, trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD. Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD. Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn. “Như vậy, làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu cũng là thách thức với ngành chè trong thời gian tới”, ông Mạnh nói.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70 - 75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới. Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu chè ở giá trung bình là 1,7 USD/kg trong khi giá trung bình của thế giới là 2,6 USD/kg. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta còn thấp do phần lớn chè xuất khẩu là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng.
Việc phát triển ngành chè tại các địa phương bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải, hiện diện tích chè sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… của tỉnh còn ít. Các cơ sở chế biến chè có quy mô nhỏ, các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp. Thị trường tiêu thụ còn hạn chế chủ yếu xuất khẩu tại các nước Trung Đông và Đài Loan (Trung Quốc), dẫn đến giá thành còn thấp.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Võ Thị Nhung chia sẻ, diện tích chè VietGAP của tỉnh chỉ vài chục hecta, diện tích chè sản xuất theo hướng hữu cơ thậm chí còn thấp hơn. Giá trị cây chè trên địa bàn Nghệ An khá “thua thiệt” so với các địa phương trồng chè trong cả nước. Nếu như, giá chè búp của Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg chè búp tươi, thì ở Nghệ An giá chè búp cao nhất cũng chỉ đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Đầu tư máy móc để tăng giá trị
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết, thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.
Nút thắt giá rẻ xuất phát từ tình trạng “dễ mua, dễ bán” của nhiều doanh nghiệp trong ngành. “Thái độ mua bán dễ dãi khiến họ không trau chuốt, làm mới, đẩy ngành chè vào bẫy giá rẻ của thế giới”, ông Long nói.
Hiện nay, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do một thời gian dài chưa có đổi mới, và họ lại tiếp tục tìm mua búp chè giá rẻ. Để khắc phục hiện trạng này, theo ông Long, phải tạo được liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng thì mới nâng cao giá bán lên được. Cứ dìm nhau, phân tán, phân chia thị trường thì không thể thoát ra khỏi bẫy giá rẻ của thế giới.
Giám đốc Công ty TNHH Thế hệ mới Đoàn Anh Tuân cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp chè Việt Nam cần thay đổi cách tư duy chạy theo số lượng, giảm hẳn xuất khẩu thô và tạo giá trị gia tăng bằng cách đầu tư máy móc, lựa chọn sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Các địa phương cần thúc đẩy thành lập hợp tác xã với quy mô đủ lớn để tăng cường quản lý quy trình, chất lượng, ngoài ra cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, giai đoạn hiện nay cần những phương pháp tiếp cận mới không chỉ là giống, tiến bộ kỹ thuật mà còn là cách quảng bá, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, cần tích hợp đa giá trị về văn hóa, truyền thống, đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với vùng chè và xây dựng hình ảnh thương hiệu chè Việt Nam.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/go-nut-that-xuat-khau-che-gia-re-post395491.html