Ấn Độ chặn nguồn nước sông Ấn, Đại sứ Pakistan đề nghị LHQ họp khẩn
Ngày 5/5, Đại sứ Pakistan tại LHQ đề nghị tổ chức họp khẩn nhằm tìm giải pháp xoa dịu căng thẳng Ấn Độ- Pakistan. Nhất là khi trước đó 1 ngày, New Delhi đã chặn dòng chảy sông Ấn qua đập Baglihar trên sông Chenab.

Một chi lưu của sông Ấn phần thượng nguồn, thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Ảnh: BBC
Ấn Độ còn có kế hoạch thực hiện hành động tương tự tại đập Kishanganga trên sông Jhelum. Tất cả đều nằm ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Việc chuyển dòng sông Ấn thực hiện chỉ chưa đầy hai tuần sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 22/4 tại thị trấn Pahalgam, vùng lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir, khiến 26 người thiệt mạng, đa phần là khách du lịch. Ấn Độ cáo buộc các nhóm cực đoan có liên hệ với Pakistan đứng sau vụ việc, và đã phản ứng bằng một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm hạ cấp quan hệ ngoại giao, cấm tàu Pakistan vào cảng Ấn Độ, tạm dừng nhập khẩu hàng hóa từ nước láng giềng và giờ là kiểm soát dòng chảy sông ngòi.
Pakistan cũng tiến hành một loạt động thái đáp trả láng giếng Ấn Độ. Quân đội Pakistan ngày 3/5 tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm xa nhằm khẳng định khả năng sẵn sàng tác chiến và kiểm chứng các thông số kỹ thuật then chốt. Không quân Ấn Độ và Pakistan còn chạm trán nhau trên bầu trời ranh giới không phận 2 nước.
Hiệp ước Nước sông Ấn ký kết năm 1960 với vai trò trung gian của Ngân hàng Thế giới, từng được coi là một trong số ít điểm sáng trong quan hệ đầy biến động giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á có sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo Hiệp ước, Ấn Độ được quyền kiểm soát ba nhánh phía Đông, còn Pakistan kiểm soát ba nhánh phía Tây, bao gồm sông Chenab và sông Jhelum, nơi hiện bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động mới của Ấn Độ.
Các chuyên gia cảnh báo, động thái của Ấn Độ có thể gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu Pakistan không kịp thời điều tiết nguồn nước thay thế cho các vùng phụ thuộc vào nông nghiệp. Sự gián đoạn trong dòng chảy sông Chenab có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người, đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng mới không chỉ về quân sự mà còn về sinh thái và nhân đạo.
Trong khi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới chưa đưa ra phản ứng chính thức, giới quan sát cho rằng các kênh ngoại giao cần sớm được kích hoạt nhằm tránh leo thang thành xung đột toàn diện.
Ngày 5/5, Đại sứ Pakistan tại LHQ Asim Iftikhar Ahmad kêu gọi LHQ họp khẩn nhằm tìm giải pháp cho căng thẳng Ấn Độ- Pakistan.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, Iran – quốc gia có mối quan hệ thân thiện với cả Ấn Độ và Pakistan – đã thể hiện vai trò trung gian khi cử Ngoại trưởng Seyed Abbas Araghchi tới Islamabad vào ngày 4/5. Ông Araghchi có kế hoạch hội đàm với các lãnh đạo cấp cao Pakistan về “hợp tác kinh tế, an ninh biên giới và tình hình khu vực”.