Ấn Độ chi 10 tỷ USD để trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu
n Độ đã trải thảm đỏ cho các nhà sản xuất chip toàn cầu tại nơi đây với khoản ưu đãi 760 tỷ rupee (10,2 tỷ USD) khi Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy việc quốc gia này thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao trên thế giới.
Chương trình đã được nội các của ông Modi phê duyệt vào ngày 15 tháng 12 và bắt đầu chấp nhận những công ty nộp đơn vào ngày 1 tháng 1 khi Ấn Độ, giống như nhiều quốc gia khác, tăng cường nỗ lực để tăng nguồn cung trong nước cho các thành phần công nghiệp quan trọng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Quốc gia Nam Á này đang nỗ lực để trở thành một người chơi lớn hơn trong các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ảnh: Reuters
Gói tài trợ mới bao gồm một nửa chi phí ban đầu để thiết lập các trung tâm sản xuất chip trong nước, bao gồm cả những chi phí cho các quy trình front-end liên quan đến chế tạo đĩa bán dẫn. Chính phủ Ấn Độ sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng của bang để xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao được trang bị nước sạch, nguồn điện dồi dào và cơ sở hạ tầng hậu cần hiện đại.
Ngoài ra, Ấn Độ sẽ cung cấp hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất chip các cơ sở nhằm giúp xử lý việc lắp ráp và thử nghiệm. Nhà nước Ấn Độ cũng sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thiết kế chip và nuôi dưỡng thêm nhiều tài năng để xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn toàn diện trong nước.
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Ấn Độ nhằm thu hút các nhà sản xuất chip hàng đầu, nhưng trước đây đã có rất ít người chơi bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ. Một lựa chọn cho quốc gia lần này có thể là tập trung đầu tiên vào các quy trình back-end, vì vậy họ có thể xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo ngành trước khi đi sâu vào các quy trình công nghệ phức tạp hơn.
Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng điện tử và công nghệ thông tin của Ấn Độ, nói với Bloomberg TV rằng: “Phản ứng của các nhà sản xuất cho đến nay là rất tốt. Tất cả những người chơi lớn, tất cả những người chơi quan trọng, đang đàm phán với các đối tác Ấn Độ. Nhiều người trong số họ đang trực tiếp muốn đến và thành lập đơn vị của họ ở đây.”
Vaishnaw dự đoán rằng trong 2-3 năm tới, một số nhà máy bán dẫn sẽ bắt đầu sản xuất và một nhà máy sản xuất bảng điều khiển màn hình sắp hoàn thành.
Rhandir Thakur, người đứng đầu hoạt động của xưởng đúc của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới Intel, sau đó đã viết trên tài khoản xã hội của ông rằng ông rất vui “khi thấy một kế hoạch được đặt ra cho tất cả các khía cạnh của chuỗi cung ứng: từ bỗi dưỡng tài năng đến thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, đóng gói và hậu cần.”
Vaishnaw trả lời: “Intel - chào mừng đến với Ấn Độ”, Mặc dù đã có nhiều nguồn tin cho rằng Intel sẽ hình thành một trung tâm sản xuất chip mới ở Ấn Độ, nhưng công ty cho biết họ không có kế hoạch mới nào ở nước này để công bố vào thời điểm này.
Tuy nhiên, bất chấp dư luận xôn xao, vẫn tồn tại những nghi ngờ về việc liệu chỉ riêng các biện pháp khuyến khích tiền tệ có đủ để thúc đẩy nguồn cung chip của Ấn Độ hay không. Các thị trường duy nhất ở châu Á thành lập ngành công nghiệp chip nội địa bao gồm sản xuất front-end là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Trung Quốc đại lục.
Ấn Độ cho biết việc đảm bảo đất đai, nước, điện và nhân tài cần thiết để vận hành các cơ sở sản xuất chip sẽ là ưu tiên quốc gia. Nhưng những nỗ lực trước đây của họ nhằm thu hút các nhà sản xuất chip lớn của nước ngoài thường rơi vào một trong những yếu tố khó khăn, chẳng hạn như sự phản đối của người dân về việc sử dụng đất hoặc những thay đổi tạm thời đối với các quy tắc lao động của nhà nước.
Quan hệ lao động có thể là một thách thức ở Ấn Độ. Hon Hai Precision Industry, còn được gọi là Foxconn, và Wistron - cả hai đều là nhà lắp ráp iPhone của Đài Loan – trước đó đã từng bị sa lầy trong các cuộc biểu tình của công nhân về điều kiện lao động ở nước này.
Huy Hoàng (Theo Asia Nikkei)