Ấn Độ có bước tiến lớn trong việc tăng cường ảnh hưởng tại Đông Nam Á
Hãng tin CNBC dẫn nhận định của Harsh V. Pant, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách đối ngoại của Tổ chức nghiên cứu Người quan sát có trụ sở tại New Delhi rằng: 'Ấn Độ chắc chắn đang trở nên tham vọng hơn ở Đông Nam Á. Không còn nghi ngờ gì về điều đó'.
Ấn Độ đang có những bước tiến lớn trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á, một động thái hướng tới cân bằng vai trò của Trung Quốc trong khu vực.
Tìm kiếm vị thế ngoại giao mạnh mẽ hơn
Chuyên gia Harsh V. Pant khẳng định: "Ấn Độ chắc chắn đang trở nên tham vọng hơn ở Đông Nam Á. Nước này cũng ngày càng thể hiện thẳng thắn hơn và mạnh mẽ hơn mối quan hệ của họ với khu vực".
Nguyên nhân của những bước đi chiến lược này được cho là do sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Pant lưu ý rằng trong một khoảng thời gian dài trước đây, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã "do dự và cẩn trọng" về vai trò của nước này tại Đông Nam Á, một phần là do bản thân họ có những căng thẳng với Trung Quốc dọc biên giới trên dãy Himalaya.
Từ năm 2020, quan hệ Trung - Ấn ngày càng căng thẳng hơn do cuộc đụng độ biên giới giữa hai bên khiến nhiều binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
"Tôi nghĩ rằng New Delhi từng có quan điểm là không nên tiến vào các vấn đề khiến Bắc Kinh quan ngại vì điều đó có thể gây thêm rắc rối cho Ấn Độ", ông Pant nói với CNBC.
Nhưng gần đây, Trung Quốc vẫn chưa có động thái nào hướng tới giải quyết vấn đề biên giới nên Ấn Độ "cảm thấy thái độ thận trọng của mình đối với Đông Nam Á không nhận được sự đáp lại thực sự", ông Pant đánh giá.
Vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh căng thẳng biên giới đang ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.
Do đó, cho đến khi quan hệ Trung-Ấn đạt được một số điều tích cực, New Delhi không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng cường quan hệ với các quốc gia "quanh khu vực ngoại vi của Trung Quốc, để đảm bảo nước này có một số đòn bẩy", ông Pant cho hay.
Thắt chặt quan hệ với Đông Nam Á
Trong những tháng gần đây, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã tăng cường tiếp cận với các nước trong khu vực nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Ấn Độ với Đông Nam Á.
Ấn Độ đã gây xôn xao vào cuối tháng 6 khi Ngoại trưởng nước này và người đồng cấp Philippines, ông Enrique Manalo, đưa ra một tuyên bố chung thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của trọng tài The Hague năm 2016 về Biển Đông.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại tổ chức tham vấn Rand Corporation cho biết: "Ấn Độ đang củng cố các mối quan hệ chiến lược - ngoại giao, kinh tế và an ninh - với các quốc gia Đông Nam Á để giúp họ cân bằng vị thế của Trung Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực hàng hải, cụ thể là Biển Đông - nơi đang có các tranh chấp chủ quyền chồng chéo đe dọa sự ổn định và cởi mở của khu vực".
Theo Joanne Lin, điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Đông Nam Á cũng đang khiến Ấn Độ phải hành động nhanh hơn. Trong bối cảnh này, "việc bảo vệ an ninh của Ấn Độ, đặc biệt là an ninh hàng hải sẽ rất quan trọng," Lin nói thêm.
Thêm vào đó, Prashanth Parameswaran, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Wilson cũng lưu ý rằng các nước trong khu vực cũng đang "muốn tăng cường quan hệ với Ấn Độ vì nước này đang ngày càng có vị thế lớn hơn". Một cuộc khảo sát khu vực do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN công bố cho thấy vị thế của Ấn Độ tại Đông Nam Á đã được cải thiện đáng kể.
Giới quan sát cho rằng New Delhi cũng là một lựa chọn cho các quốc gia muốn giữ vị thế trung lập trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc.
Ông Pant cho biết: "Ấn Độ không ngả theo bên nào. Họ vẫn duy trì một đường lối tự chủ chính sách đối ngoại của mình, điều phù hợp với rất nhiều các quốc gia Đông Nam Á."
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng những động thái mới nhất của New Delhi nhằm tăng cường quan hệ với khu vực cũng sẽ thu hút sự chú ý của Trung Quốc.
Chuyên gia Lin cho biết Trung Quốc sẽ "thận trọng" quan sát những diễn biến này. "Ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ ở Đông Nam Á và sự tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng, sẽ dấy lên sự quan ngại tại Bắc Kinh.Trung Quốc sẽ theo dõi điều này một cách cẩn thận và gửi thông điệp của riêng mình."