Ấn Độ có thể tiếp tục giới hạn lượng đường xuất khẩu trong năm sau, dự báo giá đường thế giới tiếp tục tăng

Ấn Độ có thể đang xem xét tiếp tục giới hạn lượng đường xuất khẩu trong niên vụ 2022/2023 nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Điều này có thể khiến giá đường quốc tế, vốn đang ở mức cao nhất trong hơn 5 năm trở lại đây, tiếp tục tăng trong năm sau.

 Chính phủ Ấn Độ đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu đường trong niên vụ 2021/2022 ở mức 10 triệu tấn và kiểm soát chặt các đơn hàng xuất khẩu đường từ nay đến đầu niên vụ 2022/2023 (Ảnh: The Economic Times)

Chính phủ Ấn Độ đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu đường trong niên vụ 2021/2022 ở mức 10 triệu tấn và kiểm soát chặt các đơn hàng xuất khẩu đường từ nay đến đầu niên vụ 2022/2023 (Ảnh: The Economic Times)

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một số nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ và ngành công nghiệp sản xuất đường của nước này cho biết Ấn Độ có thể sẽ áp đặt hạn ngạch xuất khẩu đường cho niên vụ 2022/2023 (tháng 10/2022 – tháng 9/2023) nhằm đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá mặt hàng này trên thị trường nội địa.

Theo đó, Ấn Độ có thể sẽ giới hạn sản lượng đường xuất khẩu trong niên vụ 2022/2023 chỉ ở mức từ 6 – 7 triệu tấn, chỉ bằng khoảng 30% so với tổng lượng đường được xuất khẩu từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu đường trong niên vụ 2021/2022 (tháng 10/2021 – tháng 9/2022) ở mức 10 triệu tấn nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như kìm giữ giá mặt hàng này trên thị trường nội địa trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu đường “tăng mạnh ở mức chưa từng có”

Đồng thời, Ấn Độ cũng yêu cầu bất kỳ hoạt động xuất khẩu đường diễn ra trong giai đoạn từ ngày 1/6 đến 31/10/2022 phải được “sự cho phép cụ thể” từ các cơ quan chức năng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm trở lại đây, Ấn Độ siết chặt việc xuất khẩu đường. Ấn Độ hiện là quốc gia có sản lượng đường lớn nhất thế giới và là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai toàn cầu.

Giới quan sát nhận định nếu Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu thì giá đường trắng trên thị trường thế giới có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Giá đường trắng quốc tế hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 5 năm trở lại đây. Trong ngày 17/6, giá đường thô giao tháng 7/2022 trên Sàn giao dịch ICE tăng 1,88% lên 18,93 US cent/lb (0,454 kg) và giá đường trắng giao tháng 8/2022 cũng tăng 1,77% lên 568,70 USD/tấn.

Đà tăng của giá đường trong thời gian gần đây chủ yếu do sản lượng đường của Brazil suy giảm. Brazil hiện là quốc gia có sản lượng và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô thế giới ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây cũng khiến các nhà máy đường chuyển hướng từ ép mía để sản xuất đường sang tăng cường sản xuất ethanol làm xăng sinh học. Những nhân tố này khiến khiến nguồn cung đường ra thị trường toàn cầu suy giảm.

Mặc dù sản lượng đường của Brazil trong niên vụ 2021/2022 được dự báo sẽ phục hồi nhưng nếu Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thì giới quan sát cho rằng giá đường trên thị trường quốc tế sẽ khó giảm xuống và sẽ còn neo ở mức cao.

Hãng tin Reuters cho biết giới chức Ấn Độ sẽ đánh giá tác động của thời tiết trong mùa mưa đến vụ thu hoạch mía đường trước khi quyết định mức hạn ngạch chính thức và một nguồn tin cho biết “Cần phải điều tiết hoạt động xuất khẩu để tránh gây ra bất kỳ sự hoảng loạn nào trên thị trường”.

Dữ liệu thời tiết cho thấy lượng mưa tính từ đầu mùa mưa (ngày 1/6) đến nay tại bang Maharashtra, bang canh tác mía đường lớn nhất Ấn Độ, hiện thấp hơn 60% so với thông thường.

Nhu cầu về đường Ấn Độ tăng đột biết đang giúp nước này ghi nhận lượng đường xuất khẩu cao kỷ lục. Tuy nhiên, điều này khiến lượng tồn kho đường của nước này có thể giảm xuống chỉ còn 6,5 triệu tấn vào cuối niên vụ 2021/2022; thấp hơn nhiều so với mức 8,2 triệu tấn vào cùng kỳ niên vụ trước.

Quỳnh Trang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/an-do-co-the-tiep-tuc-gioi-han-luong-duong-xuat-khau-trong-nam-sau-du-bao-gia-duong-the-gioi-tiep-tuc-tang-89508.htm