Ấn Độ cung cấp phần mềm quản lý tiêm chủng CoWIN miễn phí cho các nước

Phầm mềm quản lý tiêm chủng COVID-19 CoWIN của Ấn Độ. Nguồn: india.com

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman ngày 10/7 đề xuất chia sẻ miễn phí phầm mềm quản lý tiêm chủng COVID-19 mang tên CoWIN với các quốc gia khác, nhấn mạnh "nhu cầu nhân đạo cao hơn lợi ích thương mại".

Bà Sitharaman đưa tuyên bố trên tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc ngân hàng trung ương nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đang diễn ra ngày thứ hai dưới hình thức trực tuyến.

Bà Sitharaman đã chia sẻ kinh nghiệm thành công của Ấn Độ trong việc tích hợp công nghệ với cung cấp dịch vụ bao trùm trong đại dịch.

Cũng tại hội nghị trên, Ấn Độ chia sẻ 3 yếu tố thúc đẩy phục hồi kinh tế gồm kinh tế số, hoạt động biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng bền vững.

Ấn Độ cũng chia sẻ kinh nghiệm thành công trong việc tích hợp công nghệ với cung cấp dịch vụ đồng bộ trong đại dịch.

Nền tảng kỹ thuật số CoWIN đang được sử dụng ở Ấn Độ để giúp mọi người đăng ký tiêm vaccine COVID-19, đặt chỗ và tải về chứng nhận tiêm chủng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5/7 cho biết ứng dụng CoWIN sẽ trở thành nền tảng mã nguồn mở và Ấn Độ sẽ chia sẻ phần mềm này với tất cả các quốc gia trên thế giới đang tìm cách tăng cường hệ thống kỹ thuật số trong cuộc chiến chống COVID-19.

Đến nay, đã có hơn 50 quốc gia từ Trung Á, Mỹ Latin đến châu Phi, đã bày tỏ quan tâm nền tảng quản lý tiêm chủng CoWIN của Ấn Độ.

Ấn Độ vẫn đang phải chật vật ứng phó với dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh ở nước này. Tại bang Uttar Pradesh, các chuyên gia y tế đang cố gắng đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến thể Delta Plus của virus SARS-CoV-2, nay lại phải đối mặt với mối lo mới khi biến thể Kappa đã khiến một người tử vong ở bang này.

Bang Uttar Pradesh đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm biến thể Kappa, trong đó một người đã tử vong. Bệnh nhân tử vong là nam giới, 66 tuổi, không có lịch sử đi lại.

Hai ca này được phát hiện sau khi các chuyên gia y tế tiến hành giải trình tự gene đối với 109 mẫu xét nghiệm tại bệnh viện Đại học Y King George ở thành phố Lucknow.

Trong số này, 107 mẫu xét nghiệm nhiễm biến thể Delta và 2 mẫu nhiễm biến thể Kappa. Trước đó, bang Uttar Pradesh cũng đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta Plus.

Theo tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng Khoa Vi trùng học thuộc trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das tại quận Gorakhpur thuộc bang Uttar Pradesh, biến thể Kappa có thể nguy hiểm tương tự biến thể Delta vì hai biến thể này cùng một họ virus.

Kappa là một biến thể kép của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Biến thể này đang gây "báo động đỏ," khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan của biến thể này.

Những triệu chứng khi nhiễm biến thể Kappa cũng tương tự những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi nhiễm. Tuy nhiên, người nhiễm biến thể Kappa không có hiện tượng bệnh lý ngoài da như sởi.

Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.

T.LÊ (tổng từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/261006/an-do-cung-cap-phan-mem-quan-ly-tiem-chung-cowin-mien-phi-cho-cac-nuoc.html