Ấn Độ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 8/2021
Ấn Độ đã bắt đầu đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và sẽ tổ chức các cuộc thảo luận tập trung vào lĩnh vực an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình và chống khủng bố trong tháng 8 này.
Quang cảnh một phiên họp tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an từ Pháp, đây là nhiệm kỳ Chủ tịch đầu tiên của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2021/2022, với tư cách là thành viên không thường trực.
Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain cho biết cam kết sẽ làm việc với Ấn Độ về các vấn đề chiến lược như an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình và chống khủng bố, đồng thời duy trì một hệ thống đa phương dựa trên luật lệ để đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay.
Trong thông điệp được phát qua video, Đại diện thường trực của Ấn Độ tại Liên hợp quốc, T.S. Tirumurti cho biết Ấn Độ sẽ ưu tiên ba lĩnh vực chính: an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình và chống khủng bố. Đại sứ Tirumurti nhấn mạnh New Delhi rất quan tâm đến vấn đề chống khủng bố.
Trong 6 cơ quan của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Điều 24 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định, các nước thành viên Liên hợp quốc trao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm chính trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe dọa, phá hoại hòa bình, hoặc các hành động xâm lược.
Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực, thường được gọi là Nhóm P5, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Còn lại là 10 nước thành viên không thường trực (gọi tắt là Nhóm E10) do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ra với nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của Liên hợp quốc và không được bầu lại nhiệm kỳ kế ngay sau khi mãn nhiệm.
10 nước thành viên không thường trực được bầu theo sự phân bổ khu vực địa lý như sau: 5 nước thuộc châu Phi và châu Á; 1 nước thuộc Đông Âu; 2 nước thuộc vùng Mỹ Latinh và Caribe; 2 nước thuộc Tây Âu và các nước khác.
Mỗi ủy viên Hội đồng Bảo an phải luôn có một đại diện tại Trụ sở Liên hợp quốc. Chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an được luân phiên hàng tháng giữa các nước ủy viên theo thứ tự vần chữ cái của tiếng Anh.