Ấn Độ điều 4 tàu chiến đến Biển Đông trong 2 tháng
Ấn Độ sẽ cử một lực lượng đặc nhiệm gồm 4 tàu chiến đến Biển Đông trong một đợt triển khai kéo dài 2 tháng, bao gồm các cuộc tập trận với các đối tác là Mỹ, Nhật Bản và Australia, Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa thông báo.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, các tàu chiến sẽ rời Ấn Độ vào đầu tháng 8 này mà không đưa ra ngày khởi hành cụ thể. Lực lượng đặc nhiệm, bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường, khinh hạm tên lửa dẫn đường, tàu hộ tống chống tàu ngầm và tàu hộ tống tên lửa dẫn đường, sẽ tham gia một loạt cuộc tập trận trong suốt 2 tháng triển khai, bao gồm cả cuộc tập trận hải quân Malabar 2021 với quân đội Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Trong quá trình triển khai, các tàu chiến Ấn Độ sẽ làm việc với các đơn vị hải quân từ các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm Singapore, Việt Nam, Indonesia và Philippines. “Các sáng kiến hàng hải này tăng cường sức mạnh tổng hợp và phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ và các nước có quan hệ hữu nghị, dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng tới tự do hàng hải trên biển", tuyên bố của Ấn Độ cho biết.
Biển Đông đã trở thành một điểm nóng của hoạt động hải quân trong những tuần gần đây. Tuần trước, một nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh đã đi qua tuyến đường biển này trong khi một nhóm tác chiến trên mặt nước của Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận tại đây.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như chiếm trọn toàn bộ Biển Đông, biến các rạn san hô và bãi cát ngầm dọc tuyến đường biển này thành các đảo nhân tạo nhân tạo có sự củng cố của đường băng và hệ thống vũ khí.
Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore chuyên về các vấn đề hải quân cho biết, việc triển khai này là sự hiện diện hải quân rầm rộ nhất của Ấn Độ ở phía Đông eo biển Malacca, nhưng ông không cho rằng tàu Ấn Độ sẽ đối đầu hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động tự do hàng hải nào gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
“Sự hiện diện đơn thuần của các tàu ở Biển Đông, ngay cả khi nằm ngoài giới hạn 12 hải lý của mỗi địa điểm do Trung Quốc chiếm đóng, cũng đã đủ để đáp ứng các mục tiêu chiến lược của New Delhi là báo hiệu ý định tiếp tục tham gia ở Tây Thái Bình Dương”, ông Collin Koh nói.
“Việc triển khai các tàu Hải quân Ấn Độ nhằm nhấn mạnh phạm vi hoạt động, sự hiện diện hòa bình và tình đoàn kết với các nước thân thiện nhằm đảm bảo trật tự tốt trong lĩnh vực hàng hải và tăng cường mối quan hệ hiện có giữa Ấn Độ và các nước ở Ấn Độ Dương”, phía Ấn Độ tuyên bố. Điều này được cho là nhằm hưởng ứng lời kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Singapore hồi tuần trước về xây dựng quan hệ an ninh bền chặt hơn ở khu vực này.