Ấn Độ đông dân nhất thế giới và những kỳ vọng trong tương lai
Theo hãng CNN, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, đánh dấu một sự thay đổi mang tính thời đại trong nhân khẩu học toàn cầu từ cuối tháng 4 năm nay.
Cách đây vài năm, Thủ tướng Narendra Modi đã bày tỏ về "sự bùng nổ dân số" của Ấn Độ và dành nhiều lời khen ngợi cho những gia đình đã cân nhắc cẩn thận tác động của việc sinh thêm con — đối với chính họ và quốc gia.
"Ở Ấn Độ trong thế kỷ 21, khả năng thực hiện ước mơ bắt đầu từ một người, bắt đầu từ một gia đình. Nếu người dân không được giáo dục, không được khỏe mạnh thì cả gia đình và đất nước đều không thể hạnh phúc", Thủ tướng Modi nhấn mạnh.
"Dân số Ấn Độ tăng nhanh"
Không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ sinh là chìa khóa để thúc đẩy sự gia tăng hoặc giảm dân số của một quốc gia. Người ta thường chấp nhận rằng tỷ lệ sinh trung bình của một quốc gia - trẻ em trên một phụ nữ - phải là 2,1 để dân số tự duy trì ổn định – và sẽ nhiều hơn nữa để tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo chính phủ, tổng tỷ suất sinh của Ấn Độ đã giảm xuống 2,0 trong giai đoạn đánh giá toàn quốc mới nhất từ năm 2019 đến năm 2021, giảm từ mức 3,4 từ năm 1992 đến năm 1993. Sự gia tăng dân số mặc dù tỷ lệ sinh giảm có thể được giải thích bởi "nhân khẩu học".
"Khi tỷ lệ sinh giảm thì dân số sẽ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới. Một phần bởi vì nhóm trẻ ở độ tuổi lớn lên nhưng đã trở thành cha mẹ", Frank Swiaczny, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Dân số Liên bang cho biết.
Vì vậy, ngay cả khi có mức sinh thay thế, dân số Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng chậm do số lượng đáng kể phụ nữ bước vào độ tuổi sinh sản. Không có gì ngạc nhiên đối với một quốc gia có quy mô như vậy, tỷ lệ sinh của Ấn Độ không đồng đều trên cả nước.
"Điều thực sự làm chúng tôi ngạc nhiên là tỷ lệ sinh cao nhất ở Ấn Độ đạt 3,0 ở bang Bihar. Và hầu hết các bang ở phía bắc đều giữ mức đó", ông Barbara Seligman, Giám đốc chiến lược và tăng trưởng kiêm phó chủ tịch cấp cao tại PRB – nhóm phi lợi nhuận tập trung vào dữ liệu nhân khẩu học và nghiên cứu dân số cho biết.
Trong khi đó, các bang phía nam lại xuất hiện một mô hình khác. Chẳng hạn như bang Goa có tỷ lệ sinh tương đương với một số quốc gia ở Nam Âu, hiện đang phải nỗ lực để hỗ trợ dân số già với lực lượng lao động ngày càng giảm. Theo phân loại của Liên hợp quốc, Ấn Độ hiện là một "xã hội già hóa", nghĩa là 7% dân số nước này từ 65 tuổi trở lên. Ở một số bang, chẳng hạn Kerala ở miền nam Ấn Độ, dân số trên 65 tuổi đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua và hiện ở mức 12%.
"Chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều tiểu bang có dân số già đi trong vòng 30 năm tới giống như bang Kerala hiện tại", ông Seligman nói thêm.
Tốc độ đang chậm lại
Dữ liệu của Liên hợp quốc cũng cho thấy tốc độ tăng dân số của nước này đã chậm lại. Từ năm 1971 đến 1981, dân số Ấn Độ tăng trung bình 2,2% mỗi năm. Từ năm 2001 đến năm 2011, số lượng đã giảm xuống còn 1,5% và hiện nay thậm chí còn thấp hơn. Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số Ấn Độ dự kiến sẽ đạt đỉnh vào khoảng 1,7 tỷ người vào năm 2064.
Hiện tại, hơn 40% người dân của đất nước dưới 25 tuổi và độ tuổi trung bình ước tính vào năm 2023 là 28. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2021, dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ là hơn 900 triệu người và dự kiến sẽ đạt 1 tỷ người trong thập kỷ tới.
Không chỉ bởi lực lượng lao động trẻ đông đảo và được trả lương tương đối thấp mà hầu hết lực lượng này đều có thể nói tiếng Anh, hiểu biết về kỹ thuật số và nổi tiếng về năng lực kinh doanh, khiến quốc gia này trở thành điểm thu hút lớn đối với các công ty phương Tây. Tuy nhiên, sự đóng góp của Ấn Độ vào tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của thế giới dự kiến sẽ chậm lại trong những thập kỷ tới, nhường chỗ cho lực lượng lao động trẻ hơn mới nổi lên từ châu Phi.
Ấn Độ có thể chiếm phần lớn số người trong độ tuổi lao động ngày nay, nhưng các chuyên gia cho rằng nước này cần có những chính sách mạnh mẽ để tận dụng sức trẻ của mình.
"Chúng ta cần những người có kỹ năng để đáp ứng một số công việc có giá trị cao và một nền kinh tế tạo ra những công việc có giá trị cao hơn", Sonalde Desai, Giám đốc tại Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng Quốc gia (NCAER) và là Giáo sư tại Đại học Maryland cho biết.
Ông Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ cũng nhận định giải quyết khoảng cách là "điều cấp thiết để Ấn Độ tiến tới thực hiện nguyện vọng trở thành một quốc gia phát triển."
Ấn Độ trong tương lai
Mặc dù vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới tính theo đầu người nhưng Ấn Độ đang tiến lên trên bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu — nền kinh tế trị giá gần 3,5 nghìn tỷ đô la của nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất.
Vào năm 2023, Ngân hàng Thế giới kỳ vọng Ấn Độ sẽ vượt trội so với tất cả các nền kinh tế lớn khác với mức tăng trưởng 6,6% trong khi theo một số dự đoán, Ấn Độ dự kiến sẽ chiếm vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng trong 10 năm tới và trở thành quốc gia thứ ba duy nhất có GDP trị giá 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Tuy nhiên, bất chấp vận may của mình, sự giàu có của Ấn Độ không được trải đều. Nghèo đói vẫn là thực tế hàng ngày đối với hàng triệu người Ấn Độ, và các chuyên gia cho biết mặc dù quốc gia này có một số lượng lớn thanh niên sẵn sàng làm việc nhưng chưa có đủ việc làm với lực lượng này.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn ở các vùng kinh tế khó khăn phía bắc, nơi phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Chẳng hạn, bang Uttar Pradesh là nơi sinh sống của 17% dân số Ấn Độ nhưng chỉ có 9% việc làm trong ngành công nghiệp.
Sabina Dewan, một thành viên cao cấp thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách cho biết gia tăng dân số có thể góp phần vào "lực lượng sản xuất lớn cho nền kinh tế" nhưng tăng trưởng kinh tế lại phải "phụ thuộc vào đảm bảo công việc có chất lượng tốt, hiệu quả và được trả lương cao."
Cũng theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, sau khi rời ghế nhà trường, mức độ tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động — ước tính về lực lượng lao động tích cực và những người đang tìm việc — chỉ là 19% vào năm 2021. Con số này chưa bằng một nửa so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nói chung là 46%, vốn là một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Á. Chuyên gia Dewan từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách cho rằng nếu Ấn Độ không đạt được sự cân bằng phù hợp thì sẽ rơi vào nguy cơ lãng phí lợi thế đáng kể khi là quốc gia đông dân nhất thế giới với tỷ lệ vốn nhân lực trong độ tuổi lao động lớn nhất thế giới.
"Nếu không tạo đủ việc làm tốt thì Ấn Độ sẽ lãng phí tiềm năng to lớn là người lao động. Chúng ta sẽ nhìn thấy một nhóm dân số trẻ có khát vọng lớn hơn bao giờ hết nhưng lại có ít cơ hội để tạo thu nhập", ông Dewan nhấn mạnh./.