Ấn Độ đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác tại khu vực Vịnh Bengal
Tại hội nghị BIMSTEC, Ấn Độ với vai trò là nước đi đầu tại khu vực đã đưa ra tầm nhìn và các sáng kiến đầy tham vọng nhằm tăng cường hợp tác khu vực giữa các quốc gia Vịnh Bengal.
Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế, Kỹ thuật đa ngành (gọi tắt là BIMSTEC) lần thứ 6 diễn ra từ ngày 3/4 đến 4/4 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của nguyên thủ 7 quốc gia thành viên. Tại hội nghị, Ấn Độ với vai trò là nước đi đầu tại khu vực đã đưa ra tầm nhìn và các sáng kiến đầy tham vọng nhằm tăng cường hợp tác khu vực giữa các quốc gia Vịnh Bengal.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề xuất Kế hoạch Hành động 21 điểm, tập trung vào phát triển kinh tế, kết nối khu vực, an ninh và bền vững môi trường. Ông nhấn mạnh rằng BIMSTEC – với hơn 1,7 tỷ dân và tổng GDP 4,7 nghìn tỷ USD cần tận dụng tiềm năng để trở thành cầu nối chiến lược giữa Nam Á và Đông Nam Á.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BIMSTEC lần thứ 6 tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: ANI)
Một trong những đề xuất đáng chú ý của Ấn Độ là việc các nước thành viên cùng tích hợp Hệ thống thanh toán UPI của Ấn Độ nhằm thúc đẩy thương mại và du lịch. Ngoài ra, Thủ tướng Modi còn đề xuất thành lập Phòng Thương mại BIMSTEC và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp BIMSTEC hàng năm, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế sâu rộng giữa các thành viên.
Thủ tướng Ấn Độ cũng nêu các định hướng về kết nối văn hóa và giao lưu nhân dân như nền tảng hợp tác mới của BIMSTEC; trong đó có việc tổ chức Giải Điền kinh BIMSTEC 2025 và Đại hội Thể thao BIMSTEC đầu tiên vào năm 2027, tạo sân chơi chung cho thế hệ trẻ các nước thành viên. Những sáng kiến này không chỉ phản ánh chính sách “Láng giềng trước tiên” và “Hành động hướng Đông” của New Delhi mà còn thể hiện cam kết xây dựng một cộng đồng khu vực bền vững.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo BIMSTEC đã thông qua Tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6, trong đó thể hiện tầm nhìn và định hướng của các thành viên cho sự hợp tác khu vực trong tương lai. Tuyên bố này nhấn mạnh cam kết xây dựng một khu vực Vịnh Bengal “Thịnh vượng, Kiên cường và Cởi mở”. Đồng thời, Hội nghị cũng thông qua “Tầm nhìn Bangkok 2030”, một lộ trình chiến lược nhằm định hướng hợp tác giữa các quốc gia thành viên, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như thương mại, an ninh, kết nối, và phát triển bền vững.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tập trung vào hợp tác thương mại, văn hóa và các hoạt động cứu trợ sau trận động đất ngày 28/3. Tại đây, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng hội kiến Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền Myanmar. Tại cuộc gặp, ông bày tỏ sự chia sẻ sau thiên tai gần đây và cam kết hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar. Đặc biệt, tại cuộc gặp với Cố vấn trưởng của Chính phủ lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus, hai bên đã thảo luận và thống nhất quan điểm về nỗ lực nhằm ổn định khu vực.
Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa ngành là một tổ chức quốc tế bao gồm 7 quốc gia Nam Á và Đông Nam Á: Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Bhutan và Nepal. Đây là một cơ chế hợp tác nhằm tạo lập liên kết phát triển và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.