Ấn Độ đưa tàu chiến đến biển Đông, Trung Quốc bực bội
Hãng tin ANI cho biết hải quân Ấn Độ đã triển khai một trong những tàu chiến ở tiền tuyến của mình đến biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Theo ANI hôm 30-8, động thái trên diễn ra sau khi lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở thung lũng Galwan hồi giữa tháng 6.
"Ngay sau cuộc đụng độ ở Galwan khiến 20 binh sĩ của chúng tôi thiệt mạng, hải quân Ấn Độ đã triển khai một trong những tàu chiến tiền tuyến đến biển Đông, nơi hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) phản đối sự hiện diện của bất kỳ lực lượng nào" - ANI dẫn nguồn tin chính quyền New Delhi.
Cũng theo nguồn tin, việc Ấn Độ đưa tàu chiến đến biển Đông có ảnh hưởng tới hải quân và cơ sở an ninh của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phàn nàn về sự hiện diện của tàu chiến Ấn Độ tại đó trong cuộc đàm phán cấp ngoại giao với New Delhi.
Trong quá trình triển khai ở biển Đông, khu vực mà hải quân Mỹ huy động các tàu khu trục và tàu sân bay để thực thi tự do hàng hải, tàu chiến Ấn Độ đã duy trì liên lạc liên tục với các đối tác Mỹ thông qua hệ thống liên lạc an toàn.
Tàu chiến Ấn Độ được cập nhật về tình hình di chuyển của tàu quân sự của các nước khác ở biển Đông. Toàn bộ nhiệm vụ diễn ra một cách kín đáo.
Cùng thời gian này, hải quân Ấn Độ còn triển khai các tàu tiền tuyến dọc eo biển Malacca, gần quần đảo Andaman và Nicobar cũng như tuyến đường từ nơi hải quân Trung Quốc tiến vào khu vực Ấn Độ Dương. Một số tàu Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, chở dầu hoặc hàng hóa của thương gia tới các lục địa khác.
ANI lưu ý hải quân Ấn Độ hoàn toàn đủ khả năng kiểm tra bất kỳ hành động sai trái nào của đối phương ở mặt trận phía Đông hoặc phía Tây. Việc triển khai tàu chiến giúp họ kiểm soát hiệu quả những tình huống phát sinh trong và xung quanh khu vực Ấn Độ Dương.
Hải quân Ấn Độ đang lên kế hoạch mua và triển khai tàu tự hành dưới nước cùng các hệ thống và cảm biến không người lái để theo dõi sát hoạt động của PLAN từ eo biển Malacca tới khu vực Ấn Độ Dương. Lực lượng này cũng để mắt tới tàu Trung Quốc hiện diện quanh Djibouti, triển khai quân sự ở khu vực lân cận nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.