Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm PJ-10 BrahMos là sản phẩm hợp tác giữa Nga và Ấn Độ, vũ khí này được tạo ra dựa trên nguyên mẫu P-800 Oniks, nó giống sản phẩm gốc từ hình dáng bên ngoài cho tới những tính năng kỹ chiến thuật cơ bản.
Tuy nhiên để bảo đảm tuân thủ điều khoản của Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), tầm bắn của BrahMos đã bị hạ xuống mức chỉ còn 290 km so với trên 600 km như ở biến thể nội địa của Nga.
Mặc dù vậy, giới chức quốc phòng Ấn Độ vẫn luôn mong muốn sẽ sở hữu bản BrahMos nội địa có sức mạnh sánh ngang Oniks, những nỗ lực không mệt mỏi của họ cuối cùng cũng được đền đáp.
Vào cuối tháng 12/2016, Nga và Ấn Độ đã thống nhất kế hoạch nối dài tầm bắn cho tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos lên tới 600 km. Thỏa thuận trên được đánh giá là đầy bất ngờ, đồng thời rõ ràng đây là ưu ái lớn của Moskva với New Delhi.
Giới chuyên gia nhận định, sau khi hoàn tất quá trình nâng cấp, BrahMos sẽ có năng lực tác chiến không hề thua kém Oniks đang phục vụ trong Hải quân Nga, có thể triển khai từ khoảng cách xa hơn rất nhiều so với hiện tại, khiến đối phương cực kỳ khó chống đỡ.
Theo tiết lộ từ ông Alexander Maksichev - đồng Giám đốc điều hành BrahMos Aerospace, phiên bản nâng cấp của tên lửa BrahMos với tầm bắn 400 km đã được thử nghiệm thành công và mục tiêu sắp tới sẽ là 500 km.
Để vươn tới giới hạn này, nhà sản xuất cần cải thiện tốc độ của tên lửa từ Mach 2,8 hiện tại lên thành Mach 4,5, có thể họ sẽ phải thiết kế loại khoang chứa nhiên liệu khiến kích thước quả đạn to thêm đáng kể.
Tưởng như con số trên đã làm Ấn Độ tạm hài lòng thì thật bất ngờ họ lại cho biết còn có tham vọng chế tạo cả phiên bản tăng tầm BrahMos-ER triển khai từ trên không và sẽ vươn tới cự ly cực xa... 900 km.
Nguyên tắc để tạo ra BrahMos-ER theo nhận xét cũng tương tự như việc Nga đưa tên lửa 9M723 của tổ hợp Iskander-M lên tiêm kích MiG-31K với tên định danh Kh-47M2 Kinzhal.
Khi được triển khai từ độ cao và vận tốc ban đầu của máy bay lớn, quả đạn 9M723 sẽ đạt tới vận tốc Mach 10 và tầm bắn 2.000 km (so với Mach 7 và 500 km khi phóng từ mặt đất).
Theo ước tính của các chuyên gia quân sự, nếu triển khai từ tiêm kích Su-30MKI ở độ cao 14.000 m thì phiên bản tên lửa phóng từ trên không BrahMos-A chỉ cần sửa đổi một chút là cũng có thể đạt tới cự ly 600 km, nhưng để chạm mốc 900 km sẽ chẳng hề đơn giản.
Các chuyên gia Nga và Ấn Độ chắc chắn sẽ phải thiết kế lại cơ cấu phóng, động cơ cũng như đầu đạn mà tên lửa BrahMos-ER mang theo, như vậy nó nhiều khả năng trở thành một vũ khí hoàn toàn khác biệt so với BrahMos thông thường.
Khó khăn trước mắt rõ ràng còn rất lớn tuy nhiên cũng rất đáng để đầu tư, bởi nếu nắm trong tay tên lửa BrahMos-ER thì Không quân và Hải quân Ấn Độ sẽ có năng lực tác chiến vượt trội so với hiện nay.
Bên cạnh đó, tên lửa BrahMos-ER cũng có thể mang lại cho quốc gia Nam Á này những hợp đồng xuất khẩu vũ khí với giá trị lớn, nếu như họ đồng ý giữ nguyên tầm bắn hoặc chỉ giảm đi một chút so với bản nội địa.
Bạch Dương