Ấn Độ gia hạn nhập khẩu dầu ăn; nhiều nước EU yêu cầu áp thuế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine
Ấn Độ sẽ gia hạn nhập khẩu dầu ăn với mức thuế thấp thêm một năm nữa cho đến tháng 3/2025.
Ấn Độ gia hạn nhập khẩu dầu ăn
Theo giới chức Ấn Độ, quyết định gia hạn nhập khẩu dầu ăn là để nước này chuyển sang kiềm chế giá trong nước. Chương trình thuế nhập khẩu thấp đối với dầu cọ thô, dầu hướng dương thô và dầu đậu nành thô sẽ hết hạn vào tháng 3/2024.
Giám đốc điều hành (CEO) Sandeep Bajoria của Sunvin Group, một công ty môi giới dầu thực vật, cho biết: “Quyết định này được người dân mong đợi vì chính phủ muốn kiểm soát giá cả trước cuộc bầu cử”.
Ấn Độ mua dầu cọ chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi nhập khẩu dầu đậu nành và dầu hướng dương từ Argentina, Brazil, Nga và Ukraine. Ấn Độ, quốc gia sử dụng hơn 2/3 nhu cầu dầu ăn thông qua nhập khẩu, đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng hạt có dầu khi nông dân nhận thấy các loại cây trồng khác sinh lời nhiều hơn.
Lạm phát bán lẻ hàng năm của Ấn Độ trong tháng 12/2023 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng do giá một số mặt hàng thực phẩm tăng. Để giảm giá, chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì trong năm 2022 và cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại basmati vào năm 2023.
Nhiều nước EU yêu cầu áp thuế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine
Liên quan đến việc áp thuế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, mới đây Bộ Nông nghiệp Hungary cho biết, các quốc gia thành viên ở phía Đông Liên minh châu Âu (EU) sẽ yêu cầu liên minh này áp thuế nhập khẩu đối với ngũ cốc Ukraine do cạnh tranh không công bằng.
Theo đó, Hungary chỉ ra Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Romania và Slovakia đã gửi một bức thư tới Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu các biện pháp, trong đó nêu rõ nông sản rẻ hơn từ Ukraine đang phá hoại thị trường xuất khẩu của các quốc gia này. Bộ trưởng Nông nghiệp các nước nhấn mạnh, 5 bên ký thư nằm trong 6 quốc gia thành viên EU sản xuất lúa mì và ngô nhiều hơn đáng kể so với nhu cầu và đây là điều then chốt đối với an ninh lương thực châu Âu và chủ quyền chiến lược của EU.
“Bức thư khẳng định đây là lý do EU cần đưa ra các biện pháp bảo vệ thị trường của các quốc gia thành viên có chung đường biên giới với Ukraine, đồng thời giúp các quốc gia này tận dụng tối đa tiềm năng xuất khẩu”, Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Itsvan Nagy khẳng định.
Theo ông Nagy, một trong số các biện pháp đó là áp thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng nông sản nhạy cảm nhất.
Bộ trưởng Nông nghiệp 5 quốc gia trên cho rằng quy mô trang trại lớn hơn của Ukraine giúp quốc gia này xuất khẩu ngũ cốc với giá rẻ hơn và sẽ đẩy nông dân EU ra khỏi các thị trường xuất khẩu truyền thống. Theo các bộ trưởng, nông dân Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Romania và Slovakia đã phải hứng chịu những thiệt hại đáng kể từ khi EU đình chỉ hạn ngạch nhập khẩu và hải quan đối với ngũ cốc Ukraine hồi năm 2023.
Trước đó, Ba Lan, Slovakia và Hungary đã công bố các biện pháp hạn chế đối với việc nhập khẩu ngũ cốc Ukraine hồi tháng 9/2023 sau khi EC quyết định không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu vào 5 quốc gia thành viên EU là láng giềng của Ukraine. Tuy nhiên, biện pháp hạn chế của cả 3 nước đều chỉ áp dụng đối với nhập khẩu nội địa và không ảnh hưởng đến việc quá cảnh tới các thị trường tiếp theo.
Ukraine thông báo lượng ngũ cốc có thể xuất khẩu được của nước này trong mùa vụ 2023-2024 ở mức 50 triệu tấn. Tính đến ngày 8/1, Ukraine đã xuất khẩu 19,4 triệu tấn ngũ cốc.
Ukraine và Nga đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc thông qua các cảng nước sâu ở Biển Đen theo sáng kiến do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7/2022. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và hết hiệu lực vào tháng 7 năm ngoái.