Ấn Độ giành hợp đồng xây cảng tại Sri Lanka nhằm cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc
Tập đoàn Adani Group (Ấn Độ) vừa ký thỏa thuận trị giá 700 triệu USD với cơ quan quản lý cảng biển của Sri Lanka, nhằm phát triển một dự án cảng container nước sâu chiến lược. Động thái này được coi là bước đi của Ấn Độ nhằm cân bằng ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại đây.
Cảng vụ Sri Lanka (SLPA) cho biết, Adani Group sẽ xây mới một khu cảng nằm cạnh bến tàu trị giá 500 triệu USD do Trung Quốc điều hành ở thủ đô Colombo. Theo phía Sri Lanka, dự án của Adani Group sẽ là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực cảng biển tại quốc gia Nam Á này. Theo đó, Adani sẽ ký hợp đồng liên danh với một tập đoàn địa phương là John Keells, cùng SLPA để thực hiện dự án. John Keels sẽ giữ 34% cổ phần của công ty phụ trách dự án này, trong khi phía Adani nắm giữ 51% tài sản của liên doanh có tên gọi Cảng Quốc tế Tây Colombo.
Theo thiết kế, cầu cảng container mới sẽ có chiều dài 1,4 km, độ sâu 20m và công suất xử lý hàng năm có thể đạt 3,2 triệu container. Giai đoạn đầu, dự án sẽ cho ra mắt khu cầu cảng dài 600m trong vòng hai năm tới. Toàn bộ khu cảng sẽ chuyển quyền sở hữu cho Sri Lanka sau 35 năm hoạt động.
Thủ đô Colombo của Sri Lanka nằm trên bờ Ấn Độ Dương, với vị trí chiến lược khi nằm giữa hai trung tâm hàng hải lớn là Dubai và Singapore. Chính vì thế, nhiều quốc gia đã để mắt tới việc đầu tư cảng biển tại đây. Hồi năm 2014, 2 tàu ngầm của Trung Quốc đã cập bến Cảng container quốc tế Colombo vốn do Trung Quốc điều hành. Động thái này làm dấy lên lo ngại của Ấn Độ vốn coi Sri Lanka nằm trong tầm ảnh hưởng của mình. Kể từ đó, Sri Lanka từ chối cấp phép cho tàu ngầm Trung Quốc cập bến tại đây.
Tháng 12/2017, sau khi không có khả năng trả khoản nợ lớn cho Trung Quốc, Sri Lanka đã cho phép China Merchants Port Holdings tiếp nhận quyền quản lý cảng Hambantota Nam, nằm giữa tuyến vận tải biển Đông – Tây nhộn nhịp của thế giới. Hợp đồng cho thuê này có giá trị 99 năm, khiến nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng ‘bẫy nợ’ để gây ảnh hưởng tại đây. Ấn Độ và Mỹ cũng bày tỏ quan ngại rằng việc Trung Quốc có mặt tại cảng Hambantota có thể tạo thêm các lợi thế về quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương./.