Ấn Độ gửi hàng cứu trợ khẩn cấp giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất
Ấn Độ đã gửi 15 tấn hàng cứu trợ khẩn cấp cho Myanmar để giúp người dân nước này khắc phục hậu quả trận động đất xảy ra ngày 28/03. Đây là động thái đầu tiên của Ấn Độ nhằm giúp nước láng giềng vượt qua thảm họa thiên nhiên này.
15 tấn hàng cứu trợ này được một máy bay vận tải C-130J của Không quân Ấn Độ xuất phát từ căn cứ Không quân Hindon, ngoại ô thủ đô New Delhi chuyển tới Myanmar.
Theo các nguồn tin, chuyến hàng cứu trợ bao gồm lều, túi ngủ, chăn, đồ ăn sẵn, máy lọc nước, bộ dụng cụ vệ sinh, đèn năng lượng mặt trời, máy phát điện và các loại thuốc thiết yếu như paracetamol, thuốc kháng sinh, ống tiêm, găng tay và băng gạc. Đây là phản ứng đầu tiên của Ấn Độ nhằm giúp đỡ nước láng giềng Myanmar ứng phó và khắc phục hậu quả của trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ngày 28/3.

15 tấn hàng cứu trợ của Ấn Độ dành cho nhân dân Myanmar khắc phục hậu quả trận động đất được chuyển đi từ căn cứ Không quân Hindon, thủ đô New Delhi sáng ngày 29/03. Ảnh: ANI
Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ động đất kinh hoàng ngày 28/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ lo ngại về hậu quả của trận thiên tai xảy ra tại Myanmar và Thái Lan và khẳng định sự hỗ trợ toàn diện của Ấn Độ đối với các quốc gia bị ảnh hưởng. Ông chỉ thị cho các cơ quan chức năng nước này duy trì chế độ trực chiến.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ được giao phối hợp các nỗ lực cứu trợ của Chính phủ Myanmar và Thái Lan để hỗ trợ công dân Ấn Độ trong khu vực chịu ảnh hưởng cũng như xác định nhu cầu cứu trợ của hai nước láng giềng. Trong cuộc họp báo chiều ngày 28/3 để thông báo về chuyến thăm Thái Lan và Sri Lanka của Thủ tướng Narendra Modi và dự Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Đa ngành (BIMSTEC) vào tuần tới, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaideep Mazumdar cho biết:
“Khu vực Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Đa ngành dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Có thể thấy tầm quan trọng của khu vực này trong trận động đất tàn khốc ở Myanmar và Thái Lan ngày hôm nay. Sự hợp tác trong công tác quản lý thảm họa và giữa các cơ quan quản lý thảm họa của chúng tôi thông qua các cuộc diễn tập Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa (HADR) là lĩnh vực ưu tiên của Ấn Độ”.
Ấn Độ có truyền thống là quốc gia luôn đi đầu trong việc sẵn sàng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên tại khu vực. Và lần này cũng không ngoại lệ. Cách tiếp cận chủ động của New Delhi đối với hoạt động cứu trợ thiên tai và sự tận tâm giúp đỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng được thể hiện rõ qua phản ứng nhanh chóng của nước này.