Thông tin mới về hoạt động cứu hộ động đất tại Myanmar, Thái Lan

Lực lượng cứu hộ đang miệt mài tìm kiếm những người sống sót sau hơn 3 ngày kể từ khi trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar, làm đổ tòa nhà ở tận Thủ đô Bangkok của Thái Lan và gây ra rung lắc tại các tỉnh lân cận của Trung Quốc.

Cứu sống 1 phụ nữ khỏi đống đổ nát ở Mandalay

Sáng sớm 31-3, lực lượng cứu hộ đã đưa 1 phụ nữ ra khỏi đống đổ nát của Khách sạn Great Wall ở Mandalay, sau một hoạt động kéo dài 5 giờ, theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar. Trung Quốc là một trong số nhiều quốc gia đã gửi viện trợ và nhân sự để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ.

Một đoạn video cho thấy những người chứng kiến vỗ tay khi người phụ nữ được đưa đi bằng cáng. Đại sứ quán cho biết người này hiện trong tình trạng ổn định. Đây được xem như một tia hy vọng le lói tiếp thêm sức cho những đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót.

72 giờ đầu tiên sau trận động đất được coi là thời gian “vàng” để tiếp cận các nạn nhân bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Sau thời gian đó, cơ hội sống sót giảm đi nhanh chóng.

Trên khắp miền Trung Myanmar, các đội cứu hộ đã chạy đua với thời gian để giải cứu những người măc kẹt khỏi vô số tòa nhà bị sập. Nhà cửa, địa điểm tôn giáo, trường học, trường đại học, khách sạn và bệnh viện đều bị hư hại hoặc phá hủy.

Lực lượng cứu hộ đưa 1 phụ nữ ra khỏi đống đổ nát của Khách sạn Great Wall ở Mandalay

Lực lượng cứu hộ đưa 1 phụ nữ ra khỏi đống đổ nát của Khách sạn Great Wall ở Mandalay

Trước đó, vào ngày 30-3, trong lúc tìm kiếm những người sống sót tại một khu chung cư ở Mandalay, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 1 thai phụ bị mắc kẹt trong 2 ngày. Tuy nhiên, cô được tuyên bố là đã tử vong ngay sau đó. Nhiều người lo ngại rằng còn nhiều người khác bị mắc kẹt bên dưới tòa nhà cao 12 tầng này.

Việc cứu hộ tại Myanmar gặp nhiều khó khăn do thiếu thiết bị, một số nhân viên phải dùng tay để tìm kiếm những người mất tích. Ngoài ra, còn do mất điện và mất liên lạc, đường sá và cầu bị hư hỏng.

Tâm chấn được ghi nhận tại khu vực Sagaing, miền Trung Myanmar, gần cố đô Mandalay, nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người. Những người ở tâm chấn của trận động đất phần lớn bị cô lập sau vụ sập cầu chính bắc qua sông Irrawaddy của nước này, theo các quan chức địa phương.

“Gọi điện cho chồng 100-200 cuộc mỗi ngày, nhưng không ai bắt máy”

Trận động đất hôm 28-3 là thảm họa thiên nhiên gây chết chóc nhất tại Myanmar trong nhiều năm qua. Đây cũng là trận động đất mạnh nhất tấn công Myanmar kể từ khi nước này bị rung chuyển bởi trận động đất 7,9 độ richter vào năm 1912 tại Taunggyi, một thành phố cũng ở miền Trung Myanmar.

Động đất xảy ra khi nước này đang trải qua cuộc nội chiến kể từ năm 2021 đã làm hư hại mạng lưới thông tin liên lạc, tàn phá cơ sở hạ tầng y tế và khiến hàng triệu người không có đủ lương thực và nơi trú ẩn. Theo chính quyền quân sự Myanmar, ít nhất 1.700 người đã chết và khoảng 3.400 người bị thương. Gần 300 người khác vẫn mất tích.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đến thị sát hiện trường vụ 1 tòa nhà bị sập ở Bangkok, ngày 31-3-2025

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đến thị sát hiện trường vụ 1 tòa nhà bị sập ở Bangkok, ngày 31-3-2025

Trong khi đó, tại Bangkok (Thái Lan), cách tâm chấn hàng trăm km, ít nhất 18 người đã thiệt mạng. Trong số này, 11 người tử vong khi 1 tòa nhà đang xây dựng bị sập trong vài phút, khiến hàng chục người bị kẹt dưới đống đổ nát. 7 trường hợp tử vong được ghi nhận ở những nơi khác tại Thủ đô của Thái Lan.

Các hoạt động tìm kiếm khoảng 80 người mất tích đang diễn ra tại Bangkok khi các gia đình tập trung tại địa điểm tòa nhà cao tầng bị sập để chờ đợi thông tin về người thân của họ.

“Tôi đã gọi điện cho chồng tôi, có lẽ khoảng 100 đến 200 cuộc gọi mỗi ngày, nhưng không có ai bắt máy”, chị Kannika Noommisri nói với hãng tin Reuters.

Theo CNN/Guardian

Hoàng Cường

Theo CNN/Guardian

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thong-tin-moi-ve-hoat-dong-cuu-ho-dong-dat-tai-myanmar-thai-lan-post607603.antd