Ấn Độ hứng bão thịnh nộ từ thế giới Hồi giáo vì một phát ngôn
Ấn Độ đang phải hứng chịu tiếng nói phản đối ngày càng lớn từ thế giới Hồi giáo sau khi quan chức đảng cầm quyền đưa ra các bình luận bị cho là xúc phạm nhà tiên tri Mohammed.
Malaysia, Oman, Irag và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nằm trong số ít nhất 15 nước đông người Hồi giáo đã lên án các bình luận “bài đạo Hồi”. Một số quốc gia thậm chí đã triệu tập đại sứ Ấn Độ ở nước mình để tỏ thái độ phản đối.
Sự cố này làm bùng nổ biểu tình ở nước láng giềng Pakistan và cũng khiến khắp khu vực nổi lên lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Ấn Độ.
Đảng Bharatiya Janata (BJP) - đảng cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo của Ấn Độ - đã kỷ luật hai quan chức liên quan nhưng cơn bão thịnh nộ của các đối tác thương mại Arab quan trọng với New Delhi chưa chấm dứt.
Nguồn gốc cơn thịnh nộ
Nguồn cơn mọi chuyện xuất phát từ Nupur Sharma, người từng là phát ngôn viên quốc gia cho BJP cho tới khi bị đình chỉ gần đây.
Trong lúc tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình hôm 26/5, bà Sharma đưa ra bình luận về tuổi tác người vợ Aisha của nhà tiên tri Mohammed tại thời điểm hai người kết hôn và động phòng. Những bình luận này được đông đảo người xem nhận định là có tính xúc phạm và bài Hồi giáo.
Phần lớn báo chí và kênh tin tức của Ấn Độ đều không trực tiếp trích lại phát biểu của bà Sharma.
Bà Sharma sau đó đã rút lại phát biểu và cho biết không có ý định “làm tổn thương cảm xúc tôn giáo của bất cứ ai”. Trên Twitter, bà Sharma nói mình chỉ nói vậy để phản ứng lại những bình luận xúc phạm một vị thần Hindu.
Một người phát ngôn khác của BJP, Naveen Jindal, cũng có bình luận về nhà tiên tri Mohammed trên mạng xã hội và đã bị khai trừ đảng.
Hậu quả tại Ấn Độ
Hôm 5/6, BJP cho biết đã đình chỉ bà Sharma và khai trừ ông Jindal khỏi đảng.
“BJP quyết liệt phản đối bất cứ tư tưởng nào xúc phạm hoặc hạ thấp giáo phái hoặc tôn giáo. BJP không tiếp tay cho những con người hoặc tư tưởng như thế”, đảng cầm quyền Ấn Độ cho biết trong tuyên bố cùng ngày.
Cảnh sát thủ đô New Delhi cũng đã lập án đối với bà Sharma và một số cá nhân khác bị cáo buộc gây rối công cộng và kích động.
Sự cố này cũng dẫn đến các cuộc biểu tình của cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại một số bang. Hôm 10/6 tại thành phố Kanpur của bang Uttar Pradesh, ít nhất 54 người đã bị bắt giữ vì liên quan tới các cuộc biểu tình, theo CNN.
Phản ứng toàn cầu
Việc BJP đình chỉ người phát ngôn không thể ngăn tiếng nói chỉ trích vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ.
Qatar, Kuwait và Iran đã triệu tập đại sứ Ấn Độ. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, Saudi Arabia, UAE và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cùng ra tuyên bố lên án sự việc. Malaysia là nước gần đây nhất có động thái lên án.
Người biểu tình tại thành phố Lahore của Pakistan kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải xin lỗi. Một số cửa tiệm ở Kuwait đã bỏ sản phẩm Ấn Độ khỏi giá hàng sau khi có tiếng nói đòi tẩy chay.
Tại Oman, Đại giáo sĩ Sheikh Ahmad Al-Khalili, nhân vật đứng đầu về tín ngưỡng của đất nước này, cho rằng bình luận của bà Sharma là “cuộc chiến chống lại mọi người Hồi giáo”.
Thủ tướng Modi chưa công khai bình luận về sự cố nhưng các Đại sứ quán Ấn Độ tại những nước Vùng Vịnh đã ra tuyên bố khẳng định “phát ngôn của bà Sharma hoàn toàn không phản ánh quan điểm của chính quyền Ấn Độ”.
Mối đe dọa từ Al Qaeda?
Trong quá khứ, những hành động bị cho là báng bổ nhà tiên tri Mohammed từng dẫn đến các đợt tẩy chay diện rộng, khủng hoảng ngoại giao, bạo loạn và thậm chí là tấn công khủng bố.
Hôm 8/6, mạng lưới khủng bố Al Qaeda ở vùng tiểu lục địa Ấn Độ (AQIS) ra tuyên bố lên án phát ngôn của quan chức BJP và kêu gọi trả thù.
Nhưng Mohammed Sinan Siyech, nhà phân tích cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố và Bạo lực Chính trị, cho rằng những lời đe dọa như trên nghiêng về chiến dịch tuyển mộ, không phải là kế hoạch cụ thể.
Từ khi thành lập năm 2014, AQIS không thể thu hút số đông người gia nhập nên tổ chức này có thể không đủ năng lực để tung đòn tấn công, ông Siyech nói.
Hồi năm 2015, chiến binh Hồi giáo đã tấn công văn phòng tạp chí trào phúng Charlie Hebdo tại Paris, làm chết 12 người, sau khi tạp chí này đăng báo hình hoạt họa của nhà tiên tri Mohammed.
Biểu hiện của xu hướng rộng hơn
Đối với nhiều người trong số 200 triệu tín đồ đạo Hồi của Ấn Độ, những phát ngôn của bà Sharma không phải sự cố riêng lẻ mà là một phần của xu hướng rộng tại nước này.
Giới phân tích cho biết từ năm 2014, sự ủng hộ tại Ấn Độ đối với các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo cực đoan đã gia tăng, cũng như số lượng các vụ bị nghi là tội phạm thù ghét nhắm vào người Hồi giáo.
Tháng 1, một thành viên cấp cao của đảng cánh hữu Hindu Mahasabha đã kêu gọi người ủng hộ giết hại người Hồi giáo và “bảo vệ” đất nước.
Tháng 2, bang Karnataka ở Nam Ấn Độ cấm học sinh đeo khăn đội đầu trong lớp học, làm bùng nổ các cuộc biểu tình ở bang này và các thành phố lớn, bao gồm thủ đô New Delhi.
Trước đó, năm 2018, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah từng nói người di cư và người tị nạn theo đạo Hồi từ Bangladesh là “sâu mọt” cần bị loại bỏ khỏi đất nước.
Tới năm 2019, Quốc hội Ấn Độ thông qua đạo luật trao cơ hội trở thành công dân cho người di cư từ ba nước láng giềng, ngoại trừ người Hồi giáo.
Tháng 12/2020, bang Uttar Pradesh ban hành luật chống cải đạo, gây khó khăn cho các cặp đôi khác tín ngưỡng nhưng muốn kết hôn và cho người muốn cải đạo từ Hồi giáo sang Thiên chúa giáo.