Ấn Độ: Khảo cổ phát hiện di chỉ Phật giáo tại Ratnagiri
Dự án khai quật, kết hợp các chuyên ngành khảo cổ học, lịch sử nghệ thuật và văn khắc, đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong và ngoài Ấn Độ.
Các nhà khảo cổ thuộc Cục Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) vừa công bố những phát hiện quan trọng tại khu khảo cổ Ratnagiri, quận Jajpur. Các di chỉ được khai quật có liên quan đến di sản Phật giáo 1.200 năm tuổi của khu vực này.
Ratnagiri nằm ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ, từ lâu đã được biết đến như một trung tâm Phật giáo cổ đại, những phát hiện mới đây càng làm sáng tỏ vai trò của nơi này như một trung tâm lớn của Phật giáo đương thời.
Hoạt động khai quật bắt đầu cách đây vài tháng, phối hợp cùng các trường đại học địa phương như Đại học Cotton ở Guwahati, Đại học Sambalpur và Đại học Utkal, dưới sự giám sát của trợ lý giám đốc ASI, ông Prajnya Pratin Pradhan. Đây là lần khảo sát lớn đầu tiên tại Ratnagiri sau hơn sáu thập kỷ kể từ những cuộc khai quật vào cuối thập niên 1950 - đầu thập niên 1960.
Trước đây, các cuộc khai quật đã phát hiện bảo tháp bằng gạch, ba khu phức hợp tu viện, tám ngôi đền và hơn 700 bảo tháp nhỏ.
Phát hiện đáng chú ý nhất lần này là tượng voi nguyên khối bị vỡ, dài 1,5 mét và cao 1,1 mét. “Các hiện vật thu được bao gồm một đầu tượng Phật lớn, các mảnh tượng điêu khắc của các vị thần Phật giáo, các bảo tháp bằng đá nguyên khối và bằng gạch, cùng nhiều cấu trúc bằng gạch, đá và bộ sưu tập đồ gốm sứ”, một đại diện của nhóm khai quật cho biết.
Tu viện Phật giáo niên đại thế kỷ VIII
Theo Tiến sĩ Sunil Patnaik, thư ký Viện Nghiên cứu Hàng hải và Đông Nam Á Odisha (OIMSEAS), tu viện Phật giáo vừa được phát hiện có niên đại từ thế kỷ VIII, được xây dựng dưới sự bảo trợ của vương triều Bhaumakura (thế kỷ VIII - XI). Ông cho biết các hình tượng Phật mới được tìm thấy có kiểu tóc độc đáo, không phổ biến ở các khu vực khác của Ấn Độ, nhấn mạnh tầm quan trọng của di chỉ này đối với nghiên cứu lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ.
Ratnagiri, còn được gọi là “Ngọn đồi Châu báu,” lần đầu tiên được giới khảo cổ hiện đại chú ý vào năm 1905. Các cuộc khai quật năm 1958-1961 đã cung cấp bằng chứng về những cơ sở Phật giáo lớn.
Thách thức trong bảo tồn
Dù Ratnagiri có giá trị khảo cổ lớn, việc bảo tồn di tích đang gặp nhiều thách thức do sự xâm lấn của người dân địa phương. “Nhiều người dân đã xây dựng công trình trên một phần khu vực khảo cổ Phật giáo”, ông Tapan Pati, cựu giảng viên lịch sử tại Cao đẳng Tự trị Kendrapada, cho The Times of India biết.
Các nhà chức trách đang kêu gọi chính phủ can thiệp để bảo vệ di chỉ quan trọng này.
Các phát hiện mới, đặc biệt là tu viện và các hiện vật khác, được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm hiểu biết về sự phát triển của Phật giáo trong và sau thời kỳ vương triều Bhaumakura (triều đại Bhauma, còn được gọi là triều đại Kara, cai trị miền Đông Ấn Độ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 10. Vương quốc của họ, được gọi là Toshala, bao gồm một phần của Odisha - là một tiểu bang nằm ở miền Đông Ấn Độ ngày nay).
Với vị trí địa lý nằm trong mạng lưới các di chỉ tương tự ở miền Đông Ấn Độ, Ratnagiri chứng minh vai trò quan trọng trong sự lan tỏa của giáo lý và sự thực hành Phật giáo qua các tuyến thương mại và hành hương.
Dự án khai quật, kết hợp các chuyên ngành khảo cổ học, lịch sử nghệ thuật và văn khắc, đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong và ngoài Ấn Độ. Những phát hiện này không chỉ làm nổi bật Ratnagiri như một điểm đến lịch sử và văn hóa quan trọng mà còn mở ra tiềm năng thu hút sự quan tâm của du khách và cộng đồng học giả quốc tế.
Chuyển ngữ: Thường Nguyên
Nguồn: buddhistdoor.net
(https://www.buddhistdoor.net/news/archaeologists-unearth-buddhist-artifacts-in-ratnagiri-india/)