Ấn Độ làm chủ 'vũ khí thần thánh' xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ
Ấn Độ vừa công bố hình ảnh đầu tiên của tên lửa đạn đạo Agni-5 được trang bị đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), sau khi tên lửa được thử nghiệm đầu tuần này.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đăng một bức ảnh trên Instagram kèm thông báo: “Cuộc thử nghiệm thành tên lửa Agni-5 nội địa với đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ tiến hành trên đảo Tiến sĩ APJ Abdul Kalam ở Odisha”.
Ngày 11/3, Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-5, có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Cuộc thử nghiệm thành công đưa Ấn Độ ngang hàng cùng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã và đang phát triển công nghệ tên lửa để đối phó hai đối thủ chính của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan. NDTV đưa tin, Agni-5 có thể mang theo vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, thậm chí cả vũ khí nhiệt hạch cỡ lớn.
Thủ tướng Narendra Modi thể hiện sự hãnh diện về thành công này trong bài đăng trên mạng xã hội X: “Tự hào về các nhà khoa học DRDO của chúng tôi trong Sứ mệnh Divyastra (trong tiếng Hindi nghĩa là 'vũ khí thần thánh')".
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Agni-5 có tầm bắn từ 3.100-4.900 dặm. Giới phân tích cho rằng tầm bắn của tên lửa cho thấy mục tiêu chính của nó là Trung Quốc chứ không phải đối thủ truyền thống Pakistan.
Vụ thử tên lửa được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục căng thẳng trên biên giới, khi hai bên tăng cường binh lính đến khu vực tranh chấp trên dãy núi Himalaya.
Ông Rakesh Sharma, một tướng quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu, hiện là thành viên danh dự của Quỹ Quốc tế Vivekananda ở New Delhi, nói với Newsweek rằng cuộc thử nghiệm gửi tín hiệu tới Trung Quốc.
“Trung Quốc cố gây áp lực địa - chính trị theo nhiều cách khi tạo ra sự bất cân xứng về công nghệ. Sự phát triển Agni-5 gửi tín hiệu đến khu vực và thế giới nói chung, rằng Ấn Độ có sức mạnh công nghệ. Ấn Độ có khả năng chống lại một Trung Quốc ngày càng mạnh lên”, ông Sharma nói.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng kẻ thù giả định của Ấn Độ là Trung Quốc.
"Thông thường, ICBM có tầm bắn hơn 5.500 km, nhưng tên lửa Ấn Độ này có tầm bắn 5.000 km, cho thấy kẻ thù giả định của Ấn Độ là Trung Quốc", Qian Feng, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Viện Chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, nói với báo Global Times.