Ấn Độ lập các 'siêu phòng thí nghiệm' để tăng tốc xét nghiệm Covid-19

Các cơ sở này sẽ được trang bị các máy móc công suất lớn, được gọi là máy Giải trình tự Thế hệ mới (NGS) để có thể giải mã trình tự gen người.

Để tăng tốc xét nghiệm cũng như cải thiện độ chính xác của các các xét nghiệm Covid-19, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (CSIR) đang nghiên cứu phát triển các ‘siêu phòng thí nghiệm’ đi kèm với một phương pháp xét nghiệm mới.

(Ảnh: KT)

(Ảnh: KT)

Các cơ sở này sẽ được trang bị các máy móc công suất lớn, được gọi là máy Giải trình tự Thế hệ mới (NGS) để có thể giải mã trình tự gen người. Nhưng trong trường hợp này, các máy NGS sẽ được dùng vào việc giải mã từ 1.500 – 3.000 bộ gen virus nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2 với quy mô lớn và tốc độ cao hơn.

Các nhà khoa học Ấn Độ cũng đang xem xét điều chỉnh và tối ưu hóa phương pháp xét nghiệm này nhằm phù hợp với việc xác định SARS-CoV-2. Ưu điểm của phương pháp này so với xét nghiệm RT- PCR truyền thống là có khả năng phát hiện virus trong một số trường hợp đặc biệt. Nguyên nhân được cho là do phương pháp RT- PCR chỉ nhận biết SARS-CoV-2 trong một số phần cụ thể, trong khi phương pháp Giải trình tự Thế hệ mới có thể nhận biết được phân khúc lớn hơn dựa trên dữ liệu gen của virus. Do đó, cung cấp thông tin chuẩn xác hơn về virus.

Các nhà khoa học Ấn Độ cho rằng việc áp dụng phương pháp xét nghiệm mới sẽ giúp theo dấu sự tiến hóa của virus cũng như khả năng biến đổi của chúng. Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (CSIR) đang hợp tác cùng công ty Illumina – nhà sản xuất các máy Giải trình tự Thế hệ mới (NGS) tại Mỹ để tập trung theo hướng này. Hiện tại 5 máy Giải trình tự thế hệ mới, trị giá khoảng 500.000 USD đã có mặt tại Ấn Độ để chuẩn bị cho việc áp dụng đại trà.

“Dựa trên các ca xét nghiệm thử nghiệm tới lúc này, chúng tôi thấy rằng 99% các mẫu dương tính theo xét nghiệm RT-PCR cũng được xác nhận với phương pháp NGS. Quan trọng hơn, gần một nửa các mẫu xét nghiệm được coi là ‘không xác định’ theo phương pháp RT-PCR được khẳng định là âm tính hoặc dương tính theo phương pháp NGS. Do vậy, phương pháp này có thể sử dụng cho các xét nghiệm khẳng định.” Sridhar Sivasubhu nhà khoa học cao cấp của Viện Gen và Sinh học tích hợp – thuộc CSIR nói.

Mặc dù tới thời điểm này, Ấn Độ đã triển khai được khoảng 24 triệu xét nghiệm Covid-19, tỷ lệ xét nghiệm trên dân số của nước này mới chỉ ở mức 17.000/1 triệu người. Với khoảng 750.000 xét nghiệm/ ngày, Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) cho rằng, mục tiêu của nước này là mở rộng xét nghiệm lên ít nhất là 1 triệu trường hợp/ngày.

Theo các chuyên gia y tế Ấn Độ, với những ưu điểm này, phương pháp NGS có thể phục vụ mục đích giám sát dịch tễ trong cộng đồng. “Với RT-PCR, mức độ chính xác là 70- 80%, phương pháp xét nghiệm kháng thể là 50%, điều đó có nghĩa khả năng để lọt các ca dương tính vẫn tồn tại. Công tác giám sát theo định kỳ tại các khu vực có đông người như các khu công nghiệp, cơ sở thương mại hay địa điểm mà dịch bệnh có khả năng xảy ra sẽ giúp xác định sớm Covid-19 trong cộng đồng.” Chuyên gia Sridhar Sivasubhu cho biết.

Ấn Độ kỳ vọng, năng lực giải mã trình tự gen của các ‘siêu phòng thí nghiệm’ sẽ giúp theo dõi và nhận biết các biến dị đáng chú ý của virus. Đồng thời, nước này còn có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra các đợt dịch bệnh khác, với cả virus và vi khuẩn. Một ưu điểm khác của phương pháp NGS là khả năng triển khai trên quy mô lớn cùng lúc. Phương pháp này có thể xử lý 1.536 mẫu trong vòng 11 giờ. Các mẫu xét nghiệm được tập hợp và phân loại theo nhóm để phân tích cùng lúc. Một lần tiến hành xét nghiệm có thể áp dụng với số lượng mẫu gấp đôi so với thông thường./.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/an-do-lap-cac-sieu-phong-thi-nghiem-de-tang-toc-xet-nghiem-covid19-1083034.vov