Ấn Độ loay hoay với quy định cấm đốt rơm để xử lý ô nhiễm không khí cực độ
Người nông dân Ấn Độ kỳ vọng chính quyền sẽ có lựa chọn giải pháp thay thế giúp chấm dứt tập quán đốt rơm rạ vốn là một nguyên nhân gây ra khủng hoảng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở vùng thủ đô New Delhi.
Ô nhiễm không khí trầm trọng trở thành xu hướng phổ biến tại Ấn Độ trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là ở New Delhi. Trung tuần tháng 11 vừa qua, chính quyền thủ đô đã ban hành lệnh cấm hoạt động xây dựng, máy phát điện diesel và vận chuyển của xe tải. Các trường học đóng cửa và các nhà tuyển dụng được yêu cầu để một nửa số nhân viên của họ ở nhà.
Các nhà hoạt động môi trường và nông dân Ấn Độ đánh giá cao đề xuất giải pháp của chính phủ về cấm đốt rơm rạ, nhưng cho rằng cần có thêm các giải pháp hỗ trợ để chấm dứt tập quán mùa vụ bị cho là một phần tác nhân làm ô nhiễm không khí ở New Delhi.
Thủ đô Ấn Độ là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ô nhiễm diễn ra quanh năm, nhưng mức độ nghiêm trọng và độc hại đặc biệt tăng cao vào mùa đông. Đây là thời điểm gió đẩy khói bụi từ hoạt động đốt rơm rạ tại cá cánh đồng, đưa vào thành phố, “khoác” lên mình New Delhi một lớp áo đặc quánh sương mù.
Đốt rơm rạ là vấn nạn tồn tại nhiều năm nay. Ước tính trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, có khoảng 20 triệu tấn rơm rạ được đốt, trải dài trên các cánh đồng, nông trại ở hai bang miền bắc giáp New Delhi là Haryana và Punjab, khi người nông dân dọn dẹp đồng ruộng để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Có hơn 70.000 vụ đốt rơm được ghi nhận tại hai bang này, trong đó có khoảng 57.000 vụ được ghi nhận trong thời giant ừ 1/11-13/11. Haryana và Punjab cũng được coi là trung tâm sản xuất lúa gạo tại Ấn Độ.
Trong tháng này, chính phủ thông báo tới Tòa án Tối cao rằng đốt rơm rạ là nguyên nhân đóng góp 10% ô nhiễm không khí ở New Delhi. Nhưng các cơ quan giám sát cho biết, con số này có thể lên đến 45%. Đây cũng là cơ sở để chính phủ đề xuất cấm đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Người vi phạm có thể bị phạt tiền, hoặc phát tù tới một tháng tù giam.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao chưa ủng hộ đề xuất trên. Cơ quan này cho biết cáo buộc ô nhiễm là do đốt rơm rạ chưa có cơ sở thực tế. Nguồn ô nhiễm chính đến từ sản xuất công nghiệp, nhiệt điện chạy than, khí thải từ phương tiện tham gia giao thông và hoạt động xây dựng. Đốt rơm rạ chỉ là một phần nhỏ.
Đề xuất cấm đốt rơm rạ là động thái mới nhất của chính quyền làm gia tăng biểu tình phản kháng của nông dân, số sinh sống và canh tác ở các bang giáp thủ đô New Delhi. Quyết định của Thủ tướng Narendra Modi về bãi bỏ 3 đạo luật nông nghiệp gây tranh cãi gần đây không làm người dân thôi phản ứng. Nông dân không chấp nhận dừng cuộc biểu tình kéo dài cả năm vừa qua chừng nào chính phủ chấp thuận hợp thức hóa hoạt động đốt rơm rạ, thực hiện cải cách luật pháp về điện và cam kết nâng chuẩn về sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Nông nghiệp Narendra Singh Tomar sau đó khẳng định yêu sách về không xử phạt nông dân đốt rơm đã được chấp nhận. Nông dân nhiều bang đánh giá cao động thái này, nhưng yêu cầu chính phủ cần tiếp tục có biện pháp hỗ trợ, thay thể để giúp xử lý hàng triệu tấn rơm rạ sau thu hoạch. Họ cho biết sẽ ngừng tập quán này nếu như có giải pháp xử lý gốc rạ mà không cần phải đốt.
Các nhà hoạt động môi trường nhìn nhận cấm đốt rơm là giải pháp ứng phó tức thời, đúng hướng trong điều kiện chính phủ phải tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề môi trường. “Không xử phạt, hợp thức hóa đốt rơm, nhưng chính phủ phải có trách nhiệm nâng cao nhận thức cho nông dân, tìm kiếm giải pháp thực sự đối với việc xử lý chất thải nông nghiệp”, Sunil Dahiya, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch tại Ấn Độ chia sẻ.