Ấn Độ: Ngộ độc khiến hàng chục người thiệt mạng nêu bật vấn nạn rượu giả
Một quan chức chính phủ Ấn Độ ngày 21/6 cho biết số người chết do vụ ngộ độc rượu giả ở bang Tamil Nadu, đã tăng lên 47 người và hơn 100 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
47 người chết, 118 người đang được điều trị
Theo Reuters, từ ngày 19/6, hơn 150 người ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ đã xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy sau khi uống rượu. Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, tính đến sáng 21/6, 118 người vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn và các khu vực lân cận.
Chính quyền bang Tamil Nadu cho biết đã xử lý kỷ luật đối với ít nhất 10 quan chức, bao gồm cả người quản lý hành chính địa phương và cảnh sát trưởng. Cảnh sát đã bắt giữ 4 người tình nghi bán rượu giả và thu giữ 200 lít rượu giả. Chính phủ vẫn đang tiếp tục xác định những người liên quan đến việc sản xuất rượu giả.
Reuters đưa tin vì nhiều người không có đủ tiền mua rượu có thương hiệu nên các vụ tử vong do sản xuất và bán rượu giả bất hợp pháp thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ. Vào tháng 12/2022, có thông tin cho biết ít nhất 66 đã người thiệt mạng do ngộ độc rượu giả ở bang Bihar. Tháng 7/2022, một vụ ngộ độc rượu giả ở bang Gujarat đã khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.
Chính quyền địa phương ở Ấn Độ không chỉ giám sát kém hiệu quả mà còn trực tiếp dính líu đến các vụ bê bối rượu giả. Tờ Times of India ngày 30/5/2021 đưa tin rằng vào ngày 28/5, một số người đã mua rượu từ một cửa hàng rượu do chính quyền kinh doanh ở Aligarh, bang Uttar Pradesh, nhưng sau khi uống rượu, hàng chục người đã chết vì ngộ độc cồn.
Một vụ việc liên quan đến rượu giả và gây thương vong lớn ở huyện Đông Champaran, bang Bihar đã khiến 29 người thiệt mạng và một số người khác phải vào điều trị tại bệnh viện. Các quan chức địa phương cho biết ít nhất 20 người đã được đưa đến các bệnh viện khác nhau để điều trị. Cảnh sát địa phương đã tiến hành khám nghiệm 9 thi thể và bắt giữ 174 người liên quan đến vụ việc.
Theo tin của India Times, chính quyền Ấn Độ đã gửi thông báo tới 7 quan chức của cơ quan cấm rượu quốc gia, yêu cầu họ giải thích về vụ việc nghi ngờ rượu có độc trong khu vực. 5 quan chức địa phương bị đình chỉ công tác vì “lơ là chức trách”; ngoài ra 11 cán bộ cảnh sát khác cũng bị xử lý kỷ luật.
Kể từ ngày 15/4/2024 đến nay, cảnh sát đã thu giữ số lượng lớn rượu giả và các hóa chất liên quan khác tại hơn 600 địa điểm ở các khu vực khác nhau của tỉnh Motihari, bang Bihar.
Một tuyên bố của cảnh sát cho biết: "Cho đến nay, 1.720 lít rượu nội địa, 50 lít rượu nước ngoài do Ấn Độ sản xuất (IMFL) và 2.000 lít rượu khác và các hóa chất được sử dụng để sản xuất rượu giả đã bị cảnh sát thu hồi trong quá trình điều tra, lục soát các địa điểm khác nhau.
Trong khi đó, Thủ hiến bang Bihar Nitish Kumar hôm 17/6 đã thay đổi thái độ đối với việc bồi thường cho các nạn nhân của thảm kịch rượu giả. Ông tuyên bố bồi thường có điều kiện 400.000 rupee cho thân nhân mỗi người thân của người đã chết vì rượu giả.
Vấn nạn rượu giả
Những cái chết do ngộ độc rượu giả không phải là điều mới mẻ ở Ấn Độ. Theo báo cáo chính thức của Ấn Độ, mỗi năm có khoảng 1.000 người chết ở nước này do uống rượu được pha chế trái phép.
Tại các cơ sở sản xuất rượu trái phép này, do không kiểm soát tốt nhiệt độ chưng cất trong quá trình sản xuất nên rất dễ nhiệt độ vượt tiêu chuẩn an toàn và sinh ra chất hóa học metanol.
Metanol là chất gây chết người trong rượu giả. Trong trường hợp bình thường, metanol có thể được sử dụng làm chất tạo ngọt và nó cũng được sử dụng trong công nghiệp để pha loãng và ngăn ngừa kết băng. Tuy nhiên, nếu cơ thể con người đưa vào 10 ml metanol có thể trực tiếp dẫn đến mù lòa, 30 ml đủ gây nên tử vong.
Tờ Guardian của Anh cũng đưa tin rằng ngoài việc chứa metanol gây chết người, những người buôn bán vô đạo đức còn cho thêm thuốc trừ sâu và các hóa chất khác vào rượu tự nấu của Ấn Độ để tăng độ mạnh của rượu.
Vậy tại sao rượu giả vẫn tràn lan? Một số cơ quan truyền thông ở Ấn Độ cho rằng điều này có thể liên quan trực tiếp đến bộ máy quan liêu tham nhũng ở địa phương. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát, quan chức hải quan, bọn buôn lậu địa phương có “nhóm cộng đồng lợi ích” được dân chúng ngầm chấp nhận.
Chính phủ Ấn Độ kiểm soát gần như toàn bộ ngành sản xuất rượu bia và chuỗi công nghiệp này. Trước hết, trong quá trình sản xuất, người sản xuất muốn nấu rượu phải có giấy phép của chính phủ, việc bán rượu cũng cần phải xin giấy phép của chính phủ. Dù sản xuất hay bán rượu thì việc xin được giấy phép từ chính phủ cũng sẽ phải trả một cái giá rất “khủng”.
Thứ hai, về mặt lưu thông, do chính phủ Ấn Độ đánh thuế nặng đối với đồ uống có cồn nên phải trả mức thuế gần 20% cho mỗi ly rượu. Sản xuất và cung cấp bị hạn chế, lưu thông bị hạn chế bởi thuế, do đó giá rượu rất đắt.
Ngoài ra, 2/3 thanh niên Ấn Độ đều có thói quen uống rượu. Chỉ riêng ở bang Punjab, bình quân mỗi người uống 10 chai rượu mạnh mỗi năm. Với nhu cầu thị trường rất lớn như vậy, rượu sản xuất có hạn và giá lại cao, chính phủ khi trấn áp rượu giả có lúc buông lỏng nên những người sản xuất và bán rượu giả đương nhiên không biết sợ, vì lợi nhuận mà bất chấp, nhắm mắt làm liều.