Ấn Độ: Ngôi trường xây ước mơ cho trẻ em nghèo

Tại Ấn Độ, những ngôi trường chất lượng thường đi kèm với học phí đắt đỏ, chỉ dành cho con cái gia đình khá giả.

Học sinh vui chơi trong khuôn viên trường.

Học sinh vui chơi trong khuôn viên trường.

Đi ngược lại, Học viện VidyaGyan được thành lập với mục tiêu đem lại nền giáo dục tốt, miễn phí cho trẻ em nghèo.

Lớn lên trong gia đình nghèo khó tại bang Uttar Pradesh, Manu Chauhan rất yêu thích việc học nhưng từng nhiều lần không dám mở lời xin cha mẹ tiền mua sách vở. 7 năm trước, em vượt qua kỳ thi đầy thử thách để trúng tuyển vào Học viện VidyaGyan.

Cùng một số trẻ em nghèo khác trong khu vực, Chauhan có cơ hội trải nghiệm hệ thống đào tạo chất lượng và hoàn toàn miễn phí.

Tháng 9 năm nay, Chauhan, 18 tuổi, sẽ bay đến Mỹ theo học chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Stanford. “Nếu không trúng tuyển VidyaGyan, em có thể đã bỏ học, vào làng xin làm thuê để giúp đỡ bố mẹ. Trường học đã mở ra cơ hội giúp em đổi đời”, Chauhan cho biết.

Được thành lập năm 2009 bởi tỷ phú Shiv Nadar, người sáng lập Công ty công nghệ HCL, Học viện VidyaGyan nuôi dưỡng tài năng cho trẻ em nghèo tại các vùng nông thôn bang Uttar Pradesh.

Ông Nadar nhận thấy tại các bang khác, những trường chất lượng cao chỉ thu nhận học sinh giàu có, sống tại thành thị. Trẻ em nghèo có tài năng tại các vùng nông thôn, nơi hơn 60% người dân Ấn Độ sinh sống, không có cơ hội này.

Khi học trong những ngôi trường nhỏ tại khu vực hoặc phải bỏ học đi làm thuê phụ giúp gia đình, tài năng của các em dần bị mai một. Như vậy, giáo dục chưa thể làm tròn vai trò công bằng và hiện thực hóa giấc mơ nâng chất cho những đứa trẻ nghèo khó.

Hiệu trưởng VidyaGyan, Roshni Nadar Malhotra, cho biết, học sinh nhà trường đến từ các gia đình khó khăn với thu nhập dưới 100.000 rupee/năm (khoảng 31 triệu đồng). Mỗi năm, nhà trường nhận được 250.000 đơn xin nhập học nhưng chỉ chọn ra 200 ứng viên có thành tích xuất sắc. Trong đó khoảng 40% học sinh trường là nữ.

“Vì là trường nội trú, nhiều gia đình không yên tâm để con gái theo học. Nhưng cũng có không ít phụ huynh với tư tưởng tiến bộ sẵn lòng vì mong con có tương lai tốt hơn. Dần dần, số lượng nữ sinh nhà trường đã tăng đáng kể. Đây là một tín hiệu tích cực về bình đẳng giáo dục”, bà Malhotra cho biết.

Trong những năm đầu, học sinh thường cảm thấy khó khăn để bắt nhịp với mô hình đào tạo chất lượng cao do thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội. Giáo viên sẽ thúc đẩy tiến độ học nhưng không ép buộc khiến các em căng thẳng.

Trong quá trình học, các em được khuyến khích thảo luận giải pháp cho các vấn đề xã hội như đói nghèo, tác hại khi hít phải khói từ việc nấu ăn bằng củi. Những bài học này được học sinh chia sẻ lại cho người dân địa phương để cùng nâng cao ý thức cộng đồng.

Qua hơn 10 năm, nhiều thế hệ học sinh nhà trường đã giành được nhiều thành tích tốt. Các em được nhận học bổng với nguồn hỗ trợ lớn từ những trường đại học xuất sắc tại Ấn Độ hoặc Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, các em cũng tìm được việc làm với mức lương hậu hĩnh. Học viện VidyaGyan được ví là cơ hội đổi đời với trẻ em trong các gia đình nông thôn Ấn Độ, nơi việc học thường bị dập tắt bởi cái nghèo.

“Quan điểm đào tạo của trường chúng tôi là khuyến khích học sinh tư duy tự do, độc lập. Giáo viên chỉ nhắc nhở học sinh rằng, đừng quên nguồn gốc của mình và hãy luôn tự hào về nơi các em sinh ra”, bà Malhotra cho biết.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/an-do-ngoi-truong-xay-uoc-mo-cho-tre-em-ngheo-4ce1RuZ7g.html