Phân luồng, định hướng nghề: Có nên đặt nặng tỷ lệ cho học sinh?

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm là cần thiết nhưng đặt mục tiêu 30% hay 40% đều mang tính khiên cưỡng.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng xác định, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản và THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu tìm hiểu nghề nghiệp và lựa chọn nghề nào, thời điểm nào trong đời là quyền của học sinh.

Thầy cô giáo, nhà trường nên cho học sinh tiếp cận, giới thiệu và trải nghiệm thực tế về các nghề để các em hiểu và lựa chọn. Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp để học sinh theo đuổi việc học của mình một cách tốt nhất.

Học viên một trường Cao đẳng nghề tại Hà Nội đang được học thực hành nghề Y tá - Điều dưỡng.

Học viên một trường Cao đẳng nghề tại Hà Nội đang được học thực hành nghề Y tá - Điều dưỡng.

TS. Tùng Lâm nhận định, Việt Nam phân luồng hướng nghiệp học sinh từ bậc THCS cũng là cách tiếp cận với giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước phát triển định hướng nghề cho học sinh từ rất sớm và đến bậc THCS nhiều em lựa chọn các nghề để học chuyên sâu. Khi lên THPT, học sinh không học nhiều môn để lo ứng phó với kỳ thi tốt nghiệp mà chỉ học những môn phù hợp năng lực để vào trường ĐH mong muốn.

“Học sinh lựa chọn nghề nghiệp nào là quyền của các em. Chúng ta phải tôn trọng sở thích, khả năng, hoàn cảnh của từng em, không nên tư vấn, định hướng theo lối áp đặt. Tùy điều kiện, có gia đình nhận thấy hết THCS con cần học nghề để đi làm ngay nhưng cũng có gia đình bày tỏ nguyện vọng cho con học tiếp để về sau rộng đường lựa chọn công việc”. TS Nguyễn Tùng Lâm.

Chuyên gia này cũng chỉ ra, thực tế vấn đề quản lý đào tạo phổ thông và chương trình học nghề đang có sự bất cập, chồng chéo giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Cần phải giải bài toán trường THPT gắn liền với định hướng nghề nghiệp một cách bài bản, có đầu ra hợp lý, thu nhập tốt.

Ông lấy ví dụ, hiện nay rất nhiều gia đình cho con đi xuất khẩu lao động. Họ từ mò mẫm đường đi qua các công ty và không ít trường hợp bị lừa đảo. Tại sao không có chính sách để trường phổ thông liên kết với trường nghề để sau khi tốt nghiệp học sinh đi học nghề, học tiếng và xuất khẩu lao động sang thị trường các nước. “Chúng ta hiện nay vẫn đặt nặng bằng cấp ở các chương trình đào tạo, chưa bám sát thực tế để có giải pháp hiệu quả”, ông nói.

Gắn liền với đầu ra

Các địa phương cũng như Sở GD&ĐT Hà Nội phải thừa nhận, tỷ lệ phân luồng học sinh sau bậc THCS những năm qua mặc dù tăng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Thực tế, nhiều phụ huynh vẫn mong muốn con tiếp tục học lên THPT thay vì lựa chọn nghề nghiệp từ bậc THCS. Nhiều trường nghề khi vào các trường học tiếp cận, giới thiệu nhưng phụ huynh không mặn mà.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy chia sẻ, địa phương có nhiều khu công nghiệp, tỉnh hướng tới việc đào tạo nhân lực có chất xám, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn. Do đó, nếu có những cơ chế ràng buộc, rõ ràng, cụ thể thì việc phân luồng, hướng nghiệp tại các trường phổ thông sẽ có tác động tốt hơn đến nhận thức của học sinh, phụ huynh, xã hội và đó là tác động hai chiều của cung - cầu nguồn nhân lực tại các địa phương. Ví dụ như, có cơ chế hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp về đầu ra.

Từ thực tế dạy học, ông Đinh Thanh Khương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Hà Nam cũng nói, hiện nay, các cơ sở giáo dục thường xuyên đang thực hiện một lúc hai chương trình học đó là chương trình về học văn hóa và học nghề. Nếu tính tổng số tiết học của một học sinh trên một năm học nhiều hơn số tiết học của các học sinh tại các trường THPT. Vừa học nghề, học sinh vẫn phải lo đủ kiến thức văn hóa để thi tốt nghiệp THPT. Do đó, cần có những chính sách để cân đối về chương trình giáo dục, giảm áp lực cho các em lựa chọn học nghề sớm.

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, phân luồng, hướng nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Những khó khăn, bất cập thời gian qua trong công tác phân luồng, hướng nghiệp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa đạt được những mục tiêu đề ra. “Nếu chúng ta hướng nghiệp tốt thì phân luồng rất thuận lợi. Nếu chúng ta định hướng đúng ngay từ đầu thì không tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của học sinh, phụ huynh và xã hội”, ông Thưởng nói.

Quyết định 522 của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS và tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Mới đây, đại biểu Quốc hội đề xuất giảm tỷ lệ phân luồng học sinh học nghề sau bậc THCS vì điều này gây sức ép rất lớn cho học sinh lớp 9 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phan-luong-dinh-huong-nghe-co-nen-dat-nang-ty-le-cho-hoc-sinh-post1689034.tpo