Ấn Độ: Nhân rộng mô hình trường học thu phí bằng rác thải nhựa
Trường Akshar, tại làng Pamohi, bang Assam khuyến khích học sinh đóng học phí bằng cách nộp rác thải nhựa thay tiền mặt.
Hoạt động này giúp các em hình thành ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời hạn chế tình trạng đốt đồ nhựa của người dân địa phương.
Được thành lập vào năm 2016 bởi Mazin Mukhtar, 32 tuổi và vợ, Parmita Sarma, 30 tuổi, Trường Akshar hoạt động nhờ vào sự tài trợ của các mạnh thường quân và các tổ chức tư nhân. Từ 20 học sinh ban đầu, trường hiện có bảy giáo viên và 110 học sinh từ 4 - 15 tuổi.
Mục tiêu của trường là giáo dục miễn phí cho trẻ em trong khu vực. Hầu hết, các em sinh ra trong gia đình khó khăn, phụ huynh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Mỗi ngày, các em làm việc trong các mỏ đá, được trả 3 USD (khoảng 60.000 đồng).
Từ những ngày đầu thành lập trường, vợ chồng anh Mukhtar nhận thấy người dân nơi đây thường đốt rác thải nhựa làm nhiên liệu. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe của người dân địa phương, đặc biệt là các em nhỏ.
Cả hai đã khuyến khích phụ huynh gom đồ nhựa để con đem đến trường nhưng họ không đồng ý, tiếp tục đốt ở nhà. Do đó, trường áp dụng chính sách nộp rác thải nhựa thay học phí.
“Chúng tôi muốn học sinh xây dựng tinh thần trách nhiệm với môi trường và bước đầu cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Chúng tôi chuyển rác nhựa thành gạch sinh thái”, bà Sarma cho biết.
Chính sách này nhanh chóng được 100% phụ huynh tham gia, đồng thời ký cam kết ngừng đốt rác thải nhựa. Đến nay, mỗi sáng, học sinh Trường Akshar mang theo một túi đựng rác thải nhựa để đổi lấy bài học trong ngày.
“Học sinh giờ đã ý thức hơn, nhận ra nhựa có hại cho sức khỏe và môi trường. Các em cũng nói chuyện với cha mẹ về những tác hại này, khiến họ tăng nhận thức. Lượng khói độc từ việc đốt nhựa đã giảm đáng kể”, Akansha Duarah, giáo viên nhà trường nói.
Phương châm của Trường Akshar là trao tri thức để học sinh nghèo có khả năng tự kiếm sống, có trách nhiệm với xã hội. Ngoài chương trình giảng dạy, học sinh được đào tạo kỹ năng lắp đặt pin mặt trời, học nghề mộc và điện tử.
Bên cạnh đó, để giảm tình trạng lao động trẻ em, trường áp dụng mô hình học tập “gia sư ngang hàng”. Những học sinh lớn tuổi sẽ dạy kèm cho những em nhỏ hơn, được nhận lương hàng tháng.
Khoản lương này có thể quy ra tiền mặt hoặc đổi sang đồ chơi, đồ ăn vặt, quần áo hoặc giày dép. Nếu học sinh lớp dưới tiến bộ trong học tập, tiền lương của các anh chị khóa trên cũng sẽ tăng.
“Vài năm qua, trường không còn tình trạng học sinh bỏ học. Việc gia sư có thể giúp học sinh kiếm 60 - 70 USD hàng tháng, tùy thuộc vào lượng công việc được giao. Nhiều em còn mua được điện thoại di động, điều mà cha mẹ các em không đủ khả năng”, anh Mukhtar cho biết.
Trường học cũng góp phần thay đổi cuộc sống của học sinh. Bà Sarma cho biết: “Những đứa trẻ đến trường bị xã hội coi thường và lạm dụng. Ban đầu, các em nóng nảy, hung hăng. Nhưng khi được tiếp cận, học hỏi kỹ năng mới, các em được trau dồi khả năng đồng cảm, tinh thần lạc quan và phong thái tự tin”.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ, Trường Akshar tổ chức các lớp học ngoài trời. Học sinh được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ. Các em tham gia làm công tác xã hội, phân phát thực phẩm cứu trợ hơn 15.000 người nghèo, vô gia cư tại địa phương.
Hiện, vợ chồng Mukhtar đang hợp tác với chính quyền thành phố Guwahati, bang Assam để triển khai mô hình đóng học phí bằng rác thải nhựa trong 5 trường phổ thông công lập. B Kalyan Chakravarthy, đại diện Phòng Giáo dục bang Assam, nhận xét mô hình của Trường Akshar cho thấy, giáo dục về môi trường là có hiệu quả.
Chakravarthy cho biết: “Akshar có thể là hình mẫu trường học mà bang Assam hướng đến. Nhận thức mà họ đang tạo ra trong xã hội sẽ đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.