Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì

Chính phủ Ấn Độ đã quyết định nới lỏng xuất khẩu lúa mì và chỉ cho phép xuất khẩu trở lại các lô lúa mì đang chờ thông quan.

Ấn Độ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới với tỷ trọng khoảng 14,14% trong tổng sản lượng toàn cầu năm 2020. Ấn Độ sản xuất khoảng 107,59 triệu tấn lúa mì hàng năm, trong đó một phần lớn được tiêu thụ trong nước. Song, hôm 14.5, Ấn Độ đã bất ngờ công bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì với hiệu lực tức thì nhằm ngăn chặn đà leo thang của giá mặt hàng này trong nước. Quyết định của Ấn Độ được công bố giữa thời điểm thị trường hàng nông sản toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ cuộc xung đột Nga và Ukraine. Chính phủ Ấn Độ cho biết, quyết định cấm xuất khẩu lúa mì được đưa ra trong bối cảnh lạm phát leo thang cao nhất 8 năm qua và giá lúa mì tăng vọt. Quyết định này đã khiến khoảng 1,8 triệu tấn lúa mì mắc kẹt tại các cảng, dẫn đến nhiều công ty đối mặt với thua lỗ nặng do nhu cầu trong nước thấp hơn.

Trước sự ùn tắc về mặt hàng hóa ở biển cảng, Chính phủ Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu các lô lúa mì đã được giao cho Hải quan kiểm tra hoặc được đăng ký vào các hệ thống của Hải quan Ấn Độ, đồng thời cho phép xuất khẩu các lô lúa mì có thư tín dụng (LC) hoặc giấy bảo lãnh thanh toán được phát hành trước ngày 13.5. Động thái này dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan khoảng 0,35 triệu tấn lúa mì tại cảng Kandla, Ấn Độ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng số khoảng 2 - 2,2 triệu tấn ngũ cốc hiện vẫn đang bị mắc kẹt tại các cảng biển.

Ông Sanjay Dave thuộc Cơ quan Hải quan Ấn Độ cho biết, khoảng 6.000 xe tải lúa mì đang mắc kẹt tại khu vực Kandla - Gandhidham, bang Gujarat vì chưa được cơ quan chức năng cấp phép thông quan. Bên cạnh quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, Chính phủ Ấn Độ cũng đã quyết định cho phép vận chuyển 61.500 tấn lúa mì cho Ai Cập, trong đó 17.160 tấn đang bị mắc kẹt tại cảng Kandla theo yêu cầu của Cairo. Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, việc xuất khẩu lúa mì vẫn sẽ được phép áp dụng tới các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua các thỏa thuận giữa các Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực. Trước lệnh cấm lần này, Ấn Độ đặt kế hoạch xuất khẩu 10 triệu tấn lúa mì, trị giá 4 tỷ USD trong năm nay, nhằm tận dụng sự gián đoạn nguồn cung và mở rộng thị trường mới tại châu Âu, châu Á và châu Phi.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/an-do-noi-long-lenh-cam-xuat-khau-lua-mi-i289283/