Ấn Độ - Nơi rắn hổ mang hung dữ được quấn lên cổ trẻ em, tắm trong sữa tươi
Nag Panchami (Nôgapanchami) là lễ hội có từ hàng trăm năm ở Ấn Độ. Đây là dịp mọi người được tiếp xúc số lượng rắn nhiều nhất ở nước này. Trẻ em sẽ ngồi trong các đền thờ ở nhiều thành phố, quấn rắn hổ mang lên cổ.
Với người dân Ấn Độ, rắn rất được tôn sùng. Không ai cảm thấy sợ hãi khi tiếp xúc với loài bò sát nguy hiểm này.
Theo Metro, một trong những nghi lễ quan trọng được thực hiện trong dịp này là cho rắn uống sữa, ăn đồ ngọt và tung hoa lên người chúng. Qua đó, người dân muốn thể hiện tấm lòng của mình tới thần rắn Naga Devatha và mong mỏi vị thần này sẽ đáp ứng mọi điều ước của họ.
Trong thời gian lễ hội, du khách cũng sẽ nhìn thấy rất nhiều người bắt rắn và luyện rắn điêu luyện. Họ sẽ dùng tiếng sáo để điều khiển con vật. Những con rắn này thường là hổ mang độc. Chúng được nuôi nhốt trong những chiếc giỏ tre hoặc đất nung.
Lễ hội Nag Panchami diễn ra vào ngày thứ 5, tháng Kindu (khoảng tháng bảy, tám dương lịch). Đây là khoảng thời gian linh thiêng đối với người Ấn Độ. Năm 2017, 800.000 người luyện rắn và các hậu duệ tới tham gia vào lễ hội thần rắn tại nhiều nơi ở Ấn Độ.
Nag Panchami là lễ hội tín ngưỡng truyền thống của thần rắn và rắn được người Ấn giáo (Hindu giáo) tổ chức trên khắp Ấn Độ. Lễ hội này còn diễn ra ở những quốc gia lân cận có tín đồ Hindu giáo sinh sống.
Rắn là hình ảnh quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ. Thần rắn trong Ấn Độ giáo (Hindu giáo) có tên gọi là Naga (rắn hổ mang hình người). Naga là biểu tượng của linh vật bảo vệ tôn giáo, cội nguồn của sự sống và cái chết. Trong tiếng Phạn, Naga còn có nghĩa là hủy bỏ mọi tội ác. Trong các dịp lễ hội, người Hindu chia phần gạo của mình cho các con rắn với hy vọng điều này sẽ giảm bớt rủi ro và mang lại điều tốt đẹp.
Ấn Độ là quê hương của Hindu giáo (Ấn Độ giáo), khoảng 80% dân số nước này theo hoặc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Phần lớn công trình kiến trúc tại nước này chịu ảnh hưởng của đạo Hindu.