Ấn Độ - Pakistan: Xung đột cũ, bối cảnh mới
Thế giới đang đứng trước nguy cơ xuất hiện thêm một mặt trận mới, sau khi Ấn Độ triển khai chiến dịch không kích hàng loạt mục tiêu ở Pakistan.
Diễn biến lần này được gọi là sự tái diễn của một cuộc xung đột cũ, trong một trật tự thế giới đang thay đổi.
Các tên lửa của Ấn Độ đã nhắm vào 9 cơ sở mà họ cho là của khủng bố, để trả đũa vụ sát hại 26 thường dân ở thị trấn du lịch Pahalgam thuộc Kashmir tháng trước, dù Pakistan phủ nhận liên quan đến các tay súng.
"Hành động của chúng tôi chỉ tập trung vào mục tiêu, có chừng mực và không leo thang", Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra cuối ngày 6/5.

Một tòa nhà ở vùng đất thuộc Kashmir do Pakistan quản lý tan hoang sau vụ tấn công của Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố trên mạng xã hội, rằng nước này sẽ đáp trả "một cách quyết đoán".
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cho biết lực lượng của họ đã bắn rơi 5 máy bay của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra phát biểu nào về thông tin này.
Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra phản ứng.
"Họ đã có chiến tranh trong một thời gian dài. Tôi chỉ hy vọng nó sẽ kết thúc thật nhanh", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo.
Ấn Độ và Pakistan đã trải qua 3 cuộc chiến tranh giành Kashmir, và đã có nhiều cuộc xâm nhập và tấn công quân sự xảy ra trong những năm qua.
Kể từ cuộc chiến tranh năm 1999, Kashmir vẫn là một trong những nơi có mức độ quân sự hóa cao nhất trên thế giới.
Ấn Độ và Pakistan đã nhiều lần tiến đến bờ vực chiến tranh. Năm 2019, một vụ đánh bom liều chết ở Kashmir đã giết chết ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ. Năm đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi sửa một phần Hiến pháp Ấn Độ để chấm dứt quy chế bán tự trị cho tiểu bang Jammu và Kashmir.
Động thái này, nhằm sáp nhập hoàn toàn Jammu và Kashmir, diễn ra khi chính phủ của Thủ tướng Modi thực hiện các chủ trương mang tính dân tộc, vấp phải phản đối mạnh mẽ của Pakistan.
Trong các cuộc chiến tranh và xung đột trước đây, hai bên đều xuống thang trước khi tình hình có thể trở thành chiến tranh toàn diện.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng xung đột lần này có thể khác, vì bản chất của vụ tấn công khủng bố cũng như vai trò của Trung Quốc và Mỹ.
Cuộc tấn công khủng bố ngày 22/4 vừa qua nhắm vào dân thường, đặc biệt là những người theo đạo Hindu, xảy ra vào thời điểm quan trọng, khi bang Jammu và Kashmir đang có những dấu hiệu phục hồi kinh tế.

Một đền thờ của Pakistan bay nóc sau đợt không kích của Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Vụ tấn công xảy ra khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance có chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ để nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Để đáp trả Pakistan, Ấn Độ lần đầu tiên đình chỉ hiệp ước chia sẻ nước sông từ dãy Himalaya và Pakistan cáo buộc New Delhi đã chuyển nước trên một con sông lớn.
Trong những tuần trước khi xảy ra vụ tấn công, giới quân sự Pakistan, đặc biệt là Tổng tư lệnh Lục quân Asim Munir, đưa ra những lập trường cứng rắn hơn, sử dụng những ngôn từ mang tính kích động để huy động dư luận, vào thời điểm Pakistan đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế và giảm sút sự liên quan đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư hơn 55 tỷ USD vào hành lang kinh tế với Pakistan trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, trong khi quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi liên tục căng thẳng.
Sáng nay, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi Pakistan và Ấn Độ kiềm chế. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định họ là đối tác chiến lược “trong mọi hoàn cảnh của Pakistan", và "hoàn toàn hiểu được những lo ngại chính đáng về an ninh của Pakistan".
Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng dù xung đột Ấn Độ - Pakistan đã xảy ra nhiều lần nhưng lần này cũng cần được xem xét trong bối cảnh địa - chính trị đã thay đổi, và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới và có lợi ích khác nhau ở Ấn Độ và Pakistan.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/an-do-pakistan-xung-dot-cu-boi-canh-moi-post1740097.tpo