Ukraine mua lại hàng trăm thiết giáp AMPV không được Mỹ đặt hàng
Tập đoàn BAE Systems có vẻ đã tìm được khách hàng cho xe thiết giáp AMPV sau khi bị Mỹ từ chối, đó chính là Ukraine.

Khi Lục quân Mỹ muốn thay thế xe bọc thép chở quân M113, ban đầu họ chọn phiên bản Bradley không tháp pháo được gọi là thiết giáp AMPV, nhưng sau đó bất ngờ thay đổi ý định.

Chính quyền Mỹ đã từ chối đặt mua những chiếc AMPV khi cho rằng thiết giáp hạng nặng không phù hợp triển khai tại khu vực Thái Bình Dương, điều này có thể mang lại những lợi ích lớn cho Ukraine.

Giám đốc điều hành chương trình Hệ thống chiến đấu trên bộ - ông Glenn Dean trong cuộc trả lời phỏng vấn trang Breaking Defense đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý.

Vị quan chức cho biết, thiết giáp AMPV nằm trong danh sách bị hủy bỏ phát triển và đặt hàng cùng với một số phương tiện chiến đấu mặt đất khác, điển hình như xe tăng hạng nhẹ M10 Booker.

Bên cạnh đó, cuộc thi chế tạo pháo tự hành mới, được công bố vào tháng 10/2024 cũng đã bị hủy bỏ. Ngoài ra các xe bọc thép HMMWV, JLTV và Stryker cũng không nằm trong kế hoạch nữa.

Theo ông Dean, những gì diễn ra có liên quan trực tiếp đến Ukraine, khi việc sản xuất AMPV "sẽ giảm xuống mức tối thiểu, nhưng dự án có thể được cứu thông qua hợp đồng với Kyiv".

Cần nhắc lại AMPV (Xe bọc thép đa năng) do Tập đoàn BAE Systems sản xuất chính là một chiếc M2 Bradley nhưng không có tháp pháo, được cải tạo thành xe thiết giáp chở quân (APC) nặng tới 36 tấn để thay thế cho M113.

Điều này nghĩa là mọi thứ liên quan đến chiếc Bradley như mức độ bảo vệ, khả năng cơ động hay những đặc điểm khác của khung gầm vẫn được giữ nguyên, hoàn toàn không thay đổi.

Hồi năm 2014, Lầu Năm Góc dự định phân bổ ngân sách để sản xuất hơn 3.000 chiếc AMPV, bao gồm phiên bản APC có sức chứa 6 người, biến thể xe cứu thương và chỉ huy, cũng như phiên bản súng cối tự hành và kể từ năm 2023, AMPV bắt đầu được sản xuất hàng loạt.

Sau đó BAE Systems đã lên phương án lắp lại tháp pháo cho AMPV, đây là một module chiến đấu mới, biến chiếc xe thiết giáp chở quân cơ sở thành xe chiến đấu bộ binh (IFV) mạnh hơn cả M2 Bradley.

Chưa dừng lại đây, BAE Systems sẵn sàng tích hợp bất kỳ tháp pháo nào theo yêu cầu của khách hàng nếu đáp ứng được khả năng và kích thước của khung gầm AMPV và một số phương án khả thi đã được đưa ra.

Điều này đồng nghĩa cấu hình vũ khí của AMPV sẽ thay đổi không phụ thuộc vào cỡ nòng của pháo, hệ thống tên lửa chống tăng hay khí tài quang điện tử... tất cả chỉ là mong muốn cũng như khả năng tài chính của người mua mà thôi.

Ngoài phiên bản IFV và APC, AMPV còn có cả cấu hình C-UAS đặc biệt, đó là phương tiện chống máy bay không người lái chuyên dụng, có thể được coi là một hệ thống phòng không chống lại UAV dành cho các đơn vị bộ binh cơ giới khi hành quân.

Khung gầm AMPV còn được cấu hình thành một hệ thống súng cối tự hành, phương án lắp module NEMO 120 mm do Công ty Patria của Phần Lan sản xuất đã được xem xét, tháp pháo này có chức năng nạp đạn tự động và tốc độ bắn 10 phát/phút.

Cần nhắc lại, đã có hai hợp đồng chế tạo AMPV cho Lục quân Mỹ trước khi dự án bị đình chỉ mua sắm thêm, thỏa thuận gần nhất được ký vào tháng 3/2024 với tổng giá trị 1,6 tỷ USD cho 628 xe, hoặc 6,9 triệu USD cho mỗi đơn vị.

Theo số liệu công bố, sản lượng chế tạo đối với thiết giáp AMPV vào năm 2024 là 91 xe được bàn giao, năm 2025 dự kiến giao 81 xe, năm 2026 và 2027 là 122 xe, năm 2028 là 87 xe. Tuy vậy ngoài số đã giao, phần còn lại không thể sản xuất tiếp khi dự án bị hủy bỏ.

Câu hỏi hiện nay chỉ là Quân đội Ukraine có thể mua được những chiếc AMPV ở phiên bản nào, giá cả ra sao và theo những điều khoản cụ thể gì, đây là điều giới truyền thông rất quan tâm.

Nhưng khi thỏa thuận khoáng sản đã ký kết và Nhà Trắng "bật đèn xanh" để chính quyền Kyiv đặt mua vũ khí Mỹ theo hợp đồng thương mại, số lượng AMPV mà Ukraine đặt hàng có thể lên tới hàng trăm chiếc thuộc nhiều phiên bản khác nhau.