Ấn Độ: Phát hiện hóa thạch rắn khổng lồ 47 triệu năm tuổi nặng tới 1 tấn

Hóa thạch rắn khổng lồ 47 triệu năm tuổi vừa được phát hiện ở Ấn Độ có thể là loài rắn lớn nhất trên hành tinh với chiều dài 15m, dài hơn một chiếc xe buýt trường học, và nặng tới 1 tấn.

Rắn cổ đại Vasuki Indicus có thể là loài rắn lớn nhất hành tinh. (Nguồn: Alamy Stock Photo)

Rắn cổ đại Vasuki Indicus có thể là loài rắn lớn nhất hành tinh. (Nguồn: Alamy Stock Photo)

Các nhà khoa học ở Ấn Độ đã phát hiện ra hóa thạch của một con rắn cổ đại, là thành viên của họ rắn Madtsoiidae đã tuyệt chủng, rất có thể là loài rắn lớn nhất từng tồn tại trên hành tinh.

Phát hiện được công bố trên Tạp chí Scientific Reports ngày 18/4, theo đó, các nhà nghiên cứu cho biết con rắn cổ đại này có thể nặng tới 1 tấn và dài hơn một chiếc xe buýt chở học sinh.

Loài rắn này có tên Vasuki Indicus, được đặt theo tên vua của các loài rắn trong Ấn Độ giáo, thường được mô tả quấn quanh cổ của vị thần quan trọng Shiva.

Con rắn cổ đại khổng lồ có thể dài tới 15 mét, vượt qua cả chiều dài của rắn Titanoboa (có nghĩa là "trăn khổng lồ") - một loài rắn đã tuyệt chủng khác, từng giữ kỷ lục lớn nhất hành tinh với chiều dài khoảng 12,8-14,3m.

Vasuki cũng dài hơn bất kỳ loài rắn hiện đại nào. Theo Sách Kỷ lục Guinness thế giới, con rắn dài nhất hiện nay có chiều dài 7,67m.

Các nhà khoa học cho biết họ đã khai quật được tổng cộng 27 đốt sống hóa thạch của loài rắn khổng lồ trên tại mỏ than non Panandhro ở bang Gujarat.

Các hóa thạch, được cho là thuộc về một cá thể rắn Vasuki trưởng thành, có niên đại khoảng 47 triệu năm trước, thuộc Kỷ Eocene (cách đây 56-33,9 triệu năm).

Nhóm nghiên cứu ước tính tổng chiều dài cơ thể của con rắn bằng cách sử dụng chiều rộng xương sống của con rắn và tính toán rắn Vasuki có thể dài từ 11-15m (có thể có sai số trong ước tính).

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hai phương pháp để ước tính chiều dài cơ thể của Vasuki. Cả hai phương pháp đều sử dụng các loài rắn ngày nay nhằm xác định sự tương quan giữa chiều rộng của đốt sống và chiều dài của rắn, tuy nhiên có khác biệt ở bộ dữ liệu mà chúng sử dụng.

Một phương pháp sử dụng dữ liệu từ các loài rắn hiện đại thuộc họ Boidae (trăn Nam Mỹ) gồm trăn boa và python – những loài loài trăn khổng lồ hiện vẫn còn tồn tại.

Phương pháp còn lại sử dụng dữ liệu về mọi loại rắn còn sống.

Theo đồng tác giả nghiên cứu Debajit Datta ở Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee, Vasuki là thành viên của họ rắn Madtsoiidae đã tuyệt chủng, xuất hiện lần đầu vào cuối Kỷ Phấn trắng (66-100,5 triệu trước), ở Nam Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Australia và Nam Âu.

Rắn Vasuki cũng là họ hàng xa của trăn Python và Anaconda.

 Hình ảnh một số hóa thạch đốt sống của rắn Vasuki indicus. (Nguồn: AP)

Hình ảnh một số hóa thạch đốt sống của rắn Vasuki indicus. (Nguồn: AP)

Căn cứ vào những vị trí mà xương sườn bám vào đốt sống, các nhà khoa học cho rằng rắn Vasuki có thân hình trụ to lớn và chủ yếu sống trên cạn. Để so sánh, các loài rắn sống dưới nước thường có thân hình có thuôn dẹt và nhỏ hơn.

Các nhà khoa học cho rằng với kích thước “khủng,” rắn Vasuki có khả năng là loài săn mồi phục kích và di chuyển chậm, khuất phục con mồi bằng cách siết chặt, tương tự như loài trăn Anaconda ngày nay.

Hóa thạch rắn Vasuki được tìm thấy cùng với các hóa thạch cá đuối, cá mập, cá da trơn, rùa, cá sấu và cá voi nguyên thủy trong cùng một khu vực, điều này cho thấy có thể Vasuki cũng là một loài bán thủy sinh.

Các nhà khoa học phỏng đoán rằng rắn Vasuki sinh sống ở vùng khí hậu ấm áp với nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C, ấm hơn đáng kể so với ngày nay.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết nhiều về cấu tạo cơ bắp của rắn Vasuki, cách nó sử dụng các cơ và thức ăn của nó.

Sunil Bajpai , đồng tác giả nghiên cứu và nhà cổ sinh vật học có xương sống tại IIT Roorkee, cho biết nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ phân tích được hàm lượng carbon và oxy của các hóa thạch, từ đó có thể tiết lộ nhiều hơn về chế độ ăn của loài rắn Vasuki./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/an-do-phat-hien-hoa-thach-ran-khong-lo-47-trieu-nam-tuoi-nang-toi-1-tan-post941269.vnp