Ấn Độ phát triển đạn pháo mới cho xe tăng T-90S Bhishma
Hãng tin quân sự Defense News đăng tải, công ty chế tạo quốc phòng Ấn Độ Ordnance Factory Board đang phát triển dòng đạn pháo tăng hoàn toàn mới dành cho xe tăng T-90S Bhishma (phiên bản T-90 dành riêng cho Quân đội Ấn Độ).
“Chúng tôi đang phát triển dòng đạn pháo cỡ 125mm mới dành cho
xe tăng T-90 . Thế hệ đạn chống tăng mới sẽ bao gồm đạn chống tăng dưới cỡ sử dụng thanh xuyên ổn định bằng cánh đuôi, đạn nổ phá mạnh và đạn chống tăng nổ lõm”, đại diện công ty Ordnance Factory Board cho biết.
Dù không công bố thông tin chi tiết về các dòng đạn pháo mới, nhưng đại diện Ordnance Factory Board nhấn mạnh, chúng sẽ nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của xe tăng T-90S Bhishma, cũng như giúp Ấn Độ tự chủ về nguồn cung đạn dược cho dòng xe tăng chủ lực này.
Mới đây, Ấn Độ và Nga đã đạt được thỏa thuận cho phép New Delhi được phép sản xuất các dòng đạn pháo tăng tiêu chuẩn dành cho xe tăng T-90 và T-72 trong nước. Là một phần của chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India), Quân đội Ấn Độ kỳ vọng việc sản xuất đạn pháo tăng trong nước, trong đó có nhiều loại chủng loại đạn đặc biệt như, đạn chống tăng sử dụng thanh xuyên dưới cỡ (SABOT) sẽ giúp quốc gia Nam Á này tăng tính tự chủ trong quốc phòng. Trong vài năm tới, Quân đội Ấn Độ dự kiến đặt mua tới 85.000 đơn vị đạn pháo tăng mới sản xuất trong nước. Hiện tại, mỗi năm, Ấn Độ phải chi không dưới 70 triệu USD để nhập khẩu đạn pháo tăng từ nước ngoài.
Năm 2017, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế từng đưa ra đánh giá, với nguồn dự trữ đạn pháo tăng hiện có, Quân đội Ấn Độ chỉ bảo đảm được khả năng chiến đấu ở cường độ cao trong vòng 3-4 ngày. Vấn đề này cũng từng được giới chức Lục quân Ấn Độ tham vấn cựu Thủ tướng Manmohan Singh năm 2014.
Quân đội Ấn Độ hiện sở hữu 2.800 xe tăng-thiết giáp các loại, phần lớn chúng có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga. Mới đây, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua thêm 464 xe tăng T-90S trị giá hơn 3,1 tỷ USD. Chúng sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ theo giấy phép nhượng quyền công nghệ trong vòng 4 năm tới. Phía Ấn Độ sẽ chịu trách nhiệm chế tạo và sản xuất phần lớn trang bị lắp đặt trên xe. Phía Nga sẽ chỉ cung cấp động cơ và hệ thống truyền động.