Ấn Độ phê duyệt chương trình phát triển tiêm kích tàng hình
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ vừa phê duyệt khuôn khổ phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất của nước này, trong bối cảnh căng thẳng quân sự với Pakistan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chương trình sẽ do Cơ quan Phát triển Hàng không (ADA) thực hiện, với mục tiêu chế tạo nguyên mẫu tiêm kích hai động cơ, tàng hình, thuộc thế hệ thứ 5. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa năng lực tác chiến trên không của Ấn Độ.

Nguyên mẫu tiêm kích tàng hình AMCA, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Ấn Độ, tại triển lãm hàng không “Aero India 2025” ở căn cứ không quân Yelahanka, Bengaluru, ngày 11/2/2025. Ảnh: Reuters
Hiện Không quân Ấn Độ đang vận hành chủ yếu các dòng máy bay có nguồn gốc từ Nga và Liên Xô. Số lượng phi đội đã giảm xuống còn 31, thấp hơn nhiều so với yêu cầu 42 phi đội trong bối cảnh căng thẳng với Pakistan luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bất ổn khu vực gia tăng sau cuộc đối đầu kéo dài 4 ngày đầu tháng 5 giữa quân đội hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. Cả Ấn Độ và Pakistan đã triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa, pháo binh và đặc biệt là máy bay không người lái (UAV) với quy mô lớn – lần đầu tiên trong một cuộc xung đột trực tiếp giữa New Delhi và Islamabad. Theo Reuters, 2 quốc gia Nam Á này hiện đang bước vào một cuộc chạy đua vũ trang không người lái.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết sẽ mời các doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu phát triển dự án tiêm kích tàng hình. Các công ty có thể đăng ký độc lập hoặc theo hình thức liên doanh, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước.
Trước đó, một ủy ban quốc phòng của Ấn Độ đã đề xuất tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp hàng không quân sự, nhằm hỗ trợ Không quân và giảm áp lực cho Tập đoàn Hàng không Hindustan (HAL) – đơn vị hiện sản xuất phần lớn chiến đấu cơ của Ấn Độ.
Tư lệnh lực lượng Không quân Ấn Độ Amar Preet Singh từng chỉ trích HAL vì tiến độ bàn giao tiêm kích hạng nhẹ Tejas (thế hệ 4,5) quá chậm. HAL sau đó cho biết nguyên nhân chính là do việc chậm trễ cung ứng động cơ từ hãng General Electric (Mỹ) vì lý do chuỗi cung ứng toàn cầu.