Ấn Độ sẽ có chính phủ liên hiệp

Ông Narendra Modi dự kiến tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào ngày 8-6, sau khi nhận được sự ủng hộ của một số đồng minh chủ chốt

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5-6 gặp các đồng minh để thảo luận về việc thành lập chính phủ mới sau khi Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông đạt kết quả không như ý trong cuộc tổng tuyển cử mới nhất.

Theo kết quả chính thức, BJP chỉ giành 240/543 ghế hạ viện, qua đó mất thế đa số tuyệt đối. Trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2019, BJP thắng đến 303 ghế. Trong khi đó, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do BJP đứng đầu giành tổng cộng 294 ghế, nhiều hơn con số 272 cần thiết để lập chính phủ.

Liên minh Phát triển toàn diện quốc gia Ấn Độ (INDIA) do Đảng Quốc đại (INC) đứng đầu giành 233 ghế, cao hơn dự báo ban đầu. Riêng INC nắm 99 ghế, gần gấp đôi con số 52 ghế trong cuộc bầu cử trước đó.

Thủ tướng Narendra Modi chào người ủng hộ khi đến trụ sở Đảng Nhân dân Ấn Độ tại thủ đô New Delhi đêm 4-6. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Narendra Modi chào người ủng hộ khi đến trụ sở Đảng Nhân dân Ấn Độ tại thủ đô New Delhi đêm 4-6. Ảnh: REUTERS

Theo hệ thống nghị viện của Ấn Độ, nếu một đảng không giành được đa số ghế hạ viện thì đảng có nhiều phiếu nhất sẽ tìm cách lập chính phủ liên hiệp. Với kết quả trên, ông Modi cần sự ủng hộ của các đối tác trong NDA để lập một chính phủ như thế.

Vấn đề là trong NDA hiện nay có một số đảng không có sự trung thành ổn định. Theo trang Bloomberg, nếu ông Modi không giành được đủ sự ủng hộ để trở lại làm thủ tướng, những đảng này có thể yêu cầu một nhà lãnh đạo khác hoặc chuyển sang phe đối lập. Dù vậy, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy điều này có thể xảy ra.

Phát biểu trước thềm cuộc gặp nói trên, lãnh đạo các đảng đồng minh là Telugu Desam (TDP) và Janata Dal (United) cam kết ủng hộ ông Modi và BJP. Theo Reuters, với diễn biến này, ông Modi dự kiến tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp vào ngày 8-6.

Theo đài CNBC, kết quả bầu cử không như kỳ vọng của BJP lập tức khiến các nhà đầu tư lo lắng, thể hiện qua việc thị trường chứng khoán Ấn Độ chìm trong sắc đỏ ngày 4-6.

Dù vậy, trong báo cáo công bố ngày 5-6, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định kết quả nói trên không gây hại đến sự ổn định vĩ mô tại nước này. Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch (Mỹ) cho rằng chính phủ sắp tới có thể gặp khó trong việc thực hiện những nội dung cải cách tham vọng nhất.

Trước mắt, thách thức chính của BJP là bảo đảm các đối tác trong NDA luôn có được tiếng nói chung.

Theo trang Bloomberg, nhiều đối tác trong NDA không chia sẻ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đạo Hindu, vốn là cốt lõi của chương trình nghị sự của BJP. Điều này có nghĩa BJP có thể buộc phải giảm bớt giọng điệu liên quan đến quan điểm này. Ngoài ra, BJP cũng có thể phải có một số nhượng bộ đối với các đối tác trong liên minh, trong đó có vị trí nội các.

Trên mặt trận kinh tế, chính phủ do BJP dẫn đầu có thể tiếp tục theo đuổi các chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Dù vậy, chính phủ sắp tới có thể gặp khó trong việc thực hiện cải cách về luật lao động và đất đai. Các chuyên gia kinh tế cho rằng bước đi này là cần thiết để duy trì tăng trưởng.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế đã tăng lên đáng kể, một phần nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn 8%. Ngoài ra, nhóm dân số trẻ đang tăng trưởng nhanh chóng khiến Ấn Độ trở thành điểm thu hút doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Modi đã tìm cách xây dựng mối quan hệ đối tác sâu hơn với Mỹ, đồng thời vẫn duy trì sự độc lập chiến lược. Giới phân tích cho rằng những lập trường này có khả năng không thay đổi trong thời gian tới. Không những thế, ông Modi vẫn sẽ duy trì tham vọng biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/an-do-se-co-chinh-phu-lien-hiep-196240605214124976.htm