Ấn Độ sẽ tung ra đồng rupee kỹ thuật số và đánh thuế lợi nhuận từ tiền điện tử
n Độ đang có kế hoạch tung ra một phiên bản kỹ thuật số của đồng rupee - trở thành quốc gia mới nhất tham gia vào cơn sốt tạo ra các loại tiền ảo do nhà nước hậu thuẫn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman, Ngân hàng trung ương Ấn Độ dự kiến sẽ giới thiệu đồng tiền sử dụng blockchain và các công nghệ khác vào một thời điểm nào đó trong năm tài chính mới, bắt đầu vào tháng 4.
Từ chỗ lo ngại tiền điện tử tài trợ cho khủng bố...
Trình bày ngân sách hàng năm của Ấn Độ trước quốc hội vào thứ 3, Sitharaman cho biết đồng rupee kỹ thuật số sẽ “tạo ra một động lực lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số”. Ảnh: Getty Images.
Trình bày ngân sách hàng năm của Ấn Độ trước quốc hội vào thứ 3, Sitharaman cho biết đồng rupee kỹ thuật số sẽ “tạo ra một động lực lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số”. Tuy nhiên, bà Sitharaman không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về việc ra mắt loại tiền tệ này sẽ kéo theo những điều gì hay mức độ rộng rãi của đồng rupee kỹ thuật số ban đầu có thể được sử dụng hay tác động của nó.
Thanh toán kỹ thuật số đã trở nên phổ biến đáng kể ở Ấn Độ kể từ cuối năm 2016, khi Thủ tướng Narendra Modi cấm hai tờ tiền đồng rupee lớn nhất của nước này. Ngoài những công ty trong nước như Paytm, một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm Google (GOOGL) và Facebook (FB), đã tham gia vào sự bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt của Ấn Độ.
Thông báo này được đưa ra khi các nền kinh tế lớn khác đang tiến lên với kế hoạch tung ra các phiên bản tiền ảo của chính họ. Trung Quốc đã thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình ở các thành phố lớn trong hai năm qua. Đó là một trong ba phương thức thanh toán duy nhất dành cho các vận động viên, quan chức và nhà báo tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh trong tháng này.
Châu Âu và Mỹ cũng đang khám phá các khả năng của đồng EUR kỹ thuật số và đồng USD kỹ thuật số, mặc dù cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro tài chính đối với bất kỳ loại tiền điện tử nào.
Trong nhiều năm, Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về tiền điện tử và cách tốt nhất để điều chỉnh tài sản kỹ thuật số, thậm chí đôi khi còn tán thành lệnh cấm đối với tiền điện tử. Một đề xuất phức tạp được đăng trên trang web của quốc hội Ấn Độ vào năm ngoái cho thấy chính phủ đang nghiên cứu kế hoạch “cấm tất cả các loại tiền điện tử tư nhân ở Ấn Độ.”
Ngân hàng trung ương thường bày tỏ lo ngại rằng tiền điện tử có thể được sử dụng để rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Không có lệnh cấm đối với tiền điện tử
Trong bài phát biểu hôm thứ Ba, Sitharaman gợi ý rằng các nhà chức trách sẵn sàng tiếp tục cho phép giao dịch tiền điện tử trong nước, mặc dù có một số quy định. Bà nói rằng chính phủ Ấn Độ sẽ đánh thuế 30% đối với thu nhập từ tài sản kỹ thuật số ảo.
Sitharaman cho biết: “Đã có một sự gia tăng đáng kinh ngạc trong các giao dịch tài sản kỹ thuật số ảo. Mức độ và tần suất của các giao dịch này khiến việc đưa ra một chế độ thuế cụ thể là điều cấp thiết.”
Bài phát biểu về ngân sách đã được chào đón với sự thở phào nhẹ nhõm từ các nhà đầu tư tiền điện tử của Ấn Độ và các chuyên gia trong ngành đã chỉ ra nhận xét của Sitharaman như một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba châu Á sẽ không cấm tiền ảo.
Nischal Shetty, người sáng lập nền tảng tiền điện tử WazirX, vào thứ 3 đã nói rằng: “Hy vọng chúng ta sẽ thấy sự giảm bớt nỗi sợ hãi về lệnh cấm tiền điện tử ở Ấn Độ. Rất nhiều thứ cần lưu thông hơn nữa ở đây nhưng nhìn chung đây đã là một bước tiến rất tích cực cho hệ sinh thái tiền điện tử ở Ấn Độ.”
Các loại tiền ảo đã trở nên hấp dẫn đối với người dân Ấn Độ kể từ khi bắt đầu đại dịch. Mặc dù chính phủ không ước tính có bao nhiêu người giao dịch tiền điện tử, nhưng các báo cáo truyền thông đã gợi cho rằng đất nước có thể có tới 20 triệu nhà đầu tư tiền điện tử, theo trích dẫn của các chuyên gia trong ngành.
Sumit Gupta, đồng sáng lập CoinDCX, một sàn giao dịch cũng là kỳ lân tiền điện tử đầu tiên của Ấn Độ cho biết: “Đánh thuế tài sản kỹ thuật số ảo hoặc tiền điện tử là một bước đi đúng hướng. Nó mang lại sự rõ ràng và tự tin rất cần thiết cho ngành”.
Huy Hoàng (Theo CNN)