Ấn Độ tăng tốc cuộc đua trong nền kinh tế không gian
Trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang bị cô lập về chính trị do căng thẳng với phương Tây, Ấn Độ nổi lên như là một nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tin đáng tin cậy đối với các khách hàng tiềm năng. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tập trung phát triển ngành công nghiệp không gian để giành 'miếng bánh' lớn hơn trên một thị trường ước tính đạt giá trị 600 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.
Tháng trước, Công ty NewSpace India, thuộc thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ, phóng thành công 36 vệ tinh liên lạc cho hãng internet vệ tinh OneWeb (Anh) từ một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này Vụ phóng không chỉ hỗ trợ nỗ lực của OneWeb nhằm xây dựng mạng internet băng thông rộng toàn cầu trên bầu trời mà còn báo hiệu tham vọng của Ấn Độ trong lĩnh vực này.
Nhu cầu về internet tốc độ cao được truyền từ không gian đã khiến hoạt động phóng vệ tinh lên quỹ đạo trở thành ngành kinh doanh béo bở. Theo ước tính của Ernst & Young, đến năm 2025, quy mô của nền kinh tế không gian sẽ tăng lên 600 tỉ đô la từ 447 tỉ đô la vào năm 2020.
Cùng với Công ty công nghệ không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk, Nga và Trung Quốc là những nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh chính hiện nay nhờ các chương trình không gian do nhà nước hậu thuẫn. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng giữa Bắc Kinh với Mỹ khiến nhiều khách hàng tiềm năng lánh xa họ. OneWeb đã sử dụng dịch vụ phóng vệ tinh của NewSpace India sau khi vào năm ngoái, Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) hủy vụ phóng vệ tinh cho công ty này. Lý do hủy là chính phủ Anh từ chối đòi hỏi của Roscosmos về việc bán cổ phần trong công ty này. Hiện Roscosmos đang tạm giữ 36 vệ tinh của OneWeb.
Trong khi đó, Công ty phóng vệ tinh Arianespace của Pháp chưa sẵn sàng đưa tên lửa mới nhấ vào sử dụng. Hôm 4-4, Virgin Orbit Holdings, công ty phóng vệ tinh của tỉ phú người Anh Richard Branson, nộp đơn xin bảo hộ phá sản do không huy động được vốn cần thiết để duy trì hoạt động sau vụ phóng tên thất bại hồi tháng 1.
Dallas Kasaboski, nhà phân tích của hãng tư vấn không gian Northern Sky Research, cho biết: “Khi SpaceX đã kín đơn hàng phóng vệ tinh hoặc có mức phí đắt đỏ, bạn phải tìm nơi khác. Nhưng nếu bạn không thể làm việc với Trung Quốc, Ấn Độ sẽ là sự lựa chọn”.
Nhiều nhà khai thác vệ tinh không muốn sử dụng dịch vụ phóng của Trung Quốc, một phần do mối lo ngại ngày càng tăng về việc Bắc Kinh tiếp cận công nghệ phương Tây. Ngược lại, Ấn Độ đang xích lại gần Mỹ và các cường quốc khu vực khác, bao gồm Úc và Nhật Bản. Các vụ phóng vệ tinh của NewSpace India cũng có chi phí thấp hơn so với các đối thủ khác.
Phát triển lĩnh vực không gian là một kế hoạch quan trọng trong cuộc vận động “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India) của Thủ tướng Narendra Modi. Cuộc vận động này nhằm định vị nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới là điểm đến hàng đầu cho đổi mới công nghệ.
NewSpace India đang giúp Ấn Độ cạnh tranh trên trường không gian toàn cầu. Hồi tháng 10 năm ngoái, công ty này cũng đã phóng thành công 36 vệ tinh cho OneWeb. NewSpace đang đẩy mạnh sản xuất mẫu tên lửa phóng vệ tinh lớn nhất của Ấn Độ, LVM3.
Neil Masterson, Giám đốc điều hành của OneWeb, đánh giá NewSpace India có cơ hội thực sự để trở thành nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại lớn trên toàn cầu. Trong năm tài chính vừa qua, NewSpace India đạt doanh thu 17 tỉ rupee (210 triệu đô la) và lợi nhuận 3 tỷ rupee (41 triệu đô la). Công ty đang cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh cho 52 khách hàng quốc tế.
Nhìn rộng hơn, ngành công nghiệp không gian của Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2020, New Delhi đã nới lỏng các quy định quản lý đối với các công ty tên lửa và vệ tinh thuộc khu vực tư nhân, cho phép họ thực hiện các hoạt động không gian độc lập thay vì chỉ là nhà cung cấp cho Tổ chức Nghiên cứu không gian (ISRO), một cơ quan thuộc Bộ Không gian Ấn Độ. Các quy định mới cho phép các công ty khởi nghiệp tiếp cận các cơ sở của ISRO, chẳng hạn như bệ phóng và phòng thí nghiệm. Đến năm 2025, giá trị của các dịch vụ phóng vệ tinh của Ấn Độ có thể tăng gần gấp đôi lên con số 1 tỉ đô la.
Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài trước khi đuổi kịp Trung Quốc. Tính đến tháng 3-2020, Trung Quốc sở hữu 13,6% tổng số vệ tinh quay quanh Trái đất, so với 2,3% của Ấn Độ, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington. Năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành 64 vụ phóng vệ tính, theo tờ Global Times. Hầu hết các công ty tư nhân ở Trung Quốc vẫn đang phát triển tên lửa phóng vệ tinh. Tuy nhiên, một số công ty tư nhân đã bắt đầu tiến hành các vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Vào 3-2022, công ty khởi nghiệp GalaxySpace, có trụ sở tại Bắc Kinh, phóng sáu vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất và đối thủ trong nước Galactic Energy, phóng 5 vệ tinh vào tháng 1 vừa qua.
Ấn Độ chỉ tiến hành 5 vụ phóng vệ tinh vào năm ngoái. Tất cả đều do ISRO hoặc NewSpace thực hiện. Trong quá khứ, tên lửa của Ấn Độ cũng gặp vấn đề về độ tin cậy. Theo Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn thuộc Harvard-Smithsonian (Mỹ), tỷ lệ phóng vệ tinh thành công của Ấn Độ trong những năm gần đây là khoảng 70%, thấp hơn mức trên 90% ở Mỹ, châu Âu, Nga hoặc Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là một lựa chọn tốt cho các vụ phóng tiết kiệm chi phí. Năm 2013, Ấn Độ đã phóng tàu thăm dò sao Hỏa với chi phí chỉ 73 triệu đô la, chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí phóng tàu thăm dò sao Hỏa Maven của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong cùng năm.
Theo Bloomberg
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/an-do-tang-toc-cuoc-dua-trong-nen-kinh-te-khong-gian/