Ấn Độ thành quốc gia thứ 60 cấp phép vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga
Ấn Độ hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ
Người dân Ấn Độ xếp hàng đông kín tại một trạm xe buýt ở Mumbai ngày 5/4 - Ảnh: Reuters
Ấn Độ vừa trở thành quốc gia mới nhất cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga. Quyết định được đưa ra không lâu sau khi nước này vượt Brazil trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Theo CNBC, với quyết định này, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 60 và cũng là nước đông dân nhất thế giới phê duyệt vaccine của Nga. Theo quỹ đầu tư quốc gia Russian Direct Investment Fund (RDIF) của Nga, Vaccine Sputnik V hiện đã được tiêm cho khoảng 3 tỷ người trên thế giới.
"Việc phê duyệt vaccine Sputnik V là một dấu mốc lớn khi cả Nga và Ấn Độ đều đang phát triển và hợp tác sâu rộng trong việc thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vaccine này tại Ấn Độ", Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành (CEO) của RDIF, cho biết.
Thỏa thuận giữa hai bên bao gồm việc hợp tác giữa RDIF và một số hãng dược của Ấn Độ để sản xuất hơn 850 triệu liều vaccine Sputnik V tại Ấn Độ mỗi năm, đủ để tiêm cho 425 triệu người (mỗi người 2 liều), ông Dmitriev cho biết.
Ngày 13/4, Ấn Độ ghi nhận 161.736 ca nhiễm Covid-19 mới. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp nước này có hơn 100.000 ca nhiễm mới được phát hiện. Quốc gia 1,3 tỷ dân hiện có hơn 13,87 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 172.000 ca tử vong.
Trước Sputnik V, Ấn Độ đã phê duyệt 2 loại vaccine Covid-19. Với giá chưa tới 10 USD/liều, vaccine của Nga nhanh chóng được cấp phép tại nhiều quốc gia đang phát triển - nơi đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ hai và thứ ba. Một số quốc gia có thể kể đến như Argentina, Bolivia, Serbia, Hungary, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Iran, Iraq, Lebanon, Bahrain, Ai Cập, Myanmar, Pakistan, Kazakhstan, Cộng hòa Congo, Vietnam và Philippines.
Là sản phẩm của Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya của Nga ở Moscow, Sputnik V từng bị nhiều nhà khoa học phương Tây chỉ trích khi được phát triển quá nhanh và thiếu minh bạch. Tuy nhiên, theo một báo cáo đăng tải trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet hồi tháng 2, vaccine này đạt hiệu quả phòng ngừa cao trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối - lên tới 91,6%. Số liệu cũng cho thấy vaccine này giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh sau liều tiêm đầu tiên.
Ngày 14/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận đã tiêm liều thứ hai của một loại vaccine Covid-19 nhưng không tiết lộ đó là vaccine nào.