Ấn Độ thúc đẩy khả năng răn đe hạt nhân

Cuối tháng trước, tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân thứ hai của Ấn Độ đã chính thức gia nhập hạm đội hải quân, động thái giúp tăng cường năng lực quân sự của quốc gia này trước những thách thức tiềm tàng từ các đối thủ trong khu vực, bao gồm Trung Quốc.

Vào ngày 29/8, tại buổi lễ vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Arighaat ở căn cứ hải quân Visakhapatnam trên bờ biển Vịnh Bengal, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết: “Con tàu này sẽ giúp chúng tôi thiết lập thế cân bằng chiến lược trong khu vực”.

Hiện tại Ấn Độ có hai tàu ngầm quân sự chạy bằng hạt nhân, bao gồm INS Arighaat và INS Arihant, với chiều dài 111,25 mét và lượng giãn nước - khối lượng của chất lỏng hoặc khí được thay đổi bởi vật thể được đặt trong đó - 6.000 tấn. Hai con tàu này mang tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika phóng từ bốn ống phóng thẳng đứng. Tuy nhiên, tầm bắn của loại tên lửa này chỉ vào khoảng 750 km khiến cho quân đội Ấn Độ khó có thể tấn công nhiều mục tiêu từ Ấn Độ Dương.

Ấn Độ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm từ một địa điểm bí mật ở Vịnh Bengal. Ảnh: CNN

Ấn Độ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm từ một địa điểm bí mật ở Vịnh Bengal. Ảnh: CNN

Nhà phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết: " Việc tàu ngầm lớp INS Arihant khó có thể tiếp cận các mục tiêu của đối thủ xa khiến năng lực ngăn chặn và tấn công của quân đội nước này bị hạn chế".

Chính phủ Ấn Độ vẫn luôn hạn chế tiết lộ về năng lực của tàu ngầm Arighaat. Quan chức nước này chỉ cho biết những tiến bộ công nghệ của tàu ngầm này sẽ giúp nó vượt qua tàu hạt nhân Arihant trước đó. Quốc gia này thậm chí còn chưa công bố hình ảnh của Arighaat kể từ khi tàu được đưa vào hoạt động vào ngày 29/8.

Các nhà phân tích hải quân cho biết Ấn Độ đang nỗ lực phát triển năng lực hạt nhân dưới nước để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng từ đối thủ, trong đó có Trung Quốc.

Ấn Độ đang chế tạo nhiều tàu ngầm mới với quy mô lớn hơn và có tên lửa tầm xa hơn. Theo các nhà phân tích, những tên lửa này có thể có tầm bắn lên tới 6.000 km, giúp tấn công các mục tiêu xa hơn.

Matt Korda, Phó giám đốc Dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: "Dù năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Ấn Độ vẫn đang ở giai đoạn đầu, quốc gia này đang cho thấy tham vọng triển khai thiết bị hạt nhân hải quân tinh vi hơn với nòng cốt là tàu ngầm tên lửa đạn đạo".

Ông nói thêm: "Những chiếc tàu ngầm này là một phần trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm xây dựng vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công đối thủ từ xa. Những chiếc tàu sắp tới sẽ có nhiều ống phóng tên lửa và tên lửa với tầm bắn xa hơn”.

Tuy nhiên, tàu ngầm tên lửa đạn đạo tiếp theo của Ấn Độ có thể còn phải mất nhiều năm nữa. Arighaat đã được hạ thủy cách đây gần bảy năm và nếu mốc thời gian từ khi hạ thủy đến khi đưa vào hoạt động áp dụng cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo tiếp theo của Ấn Độ, thì sẽ không có thêm tàu mới cho đến năm 2030.

Tom Shugart, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ và là cựu chỉ huy tàu ngầm của Hải quân quốc gia này, cho biết chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo thứ hai thực sự tác động đáng kể đến tinh thần hải quân và quân đội Ấn Độ.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Đây là dấu hiệu khẳng định sức mạnh của một cường quốc. Điều này được minh chứng bởi thực tế năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Vương quốc Anh và Pháp đều có tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân”.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-do-thuc-day-kha-nang-ran-de-hat-nhan.html