Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng
Theo hãng CNN, Ấn Độ đã hạ cánh tàu vũ trụ Chandrayaan-3 lên Mặt Trăng, trở thành quốc gia thứ 4 đạt được kỳ tích như vậy.
Sứ mệnh này có thể củng cố vị thế của Ấn Độ như một siêu cường toàn cầu trong lĩnh vực không gian. Trước đây, chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô hoàn thành việc hạ cánh thành công trên bề mặt Mặt Trăng.
Vị trí hạ cánh của tàu Chandrayaan-3 cũng gần cực nam của Mặt trăng thuận lợi hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác trong lịch sử. Vùng cực nam được coi là khu vực có tầm quan trọng về mặt khoa học và chiến lược đối với các quốc gia du hành vũ trụ, vì các nhà khoa học tin rằng khu vực này là nơi có trữ lượng băng nước.
Theo quan sát, nước đóng băng trong các miệng hố tối có thể được chuyển thành nhiên liệu tên lửa hoặc thậm chí là nước uống cho nhiệm vụ của phi hành đoàn trong tương lai.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hiện đang ở Nam Phi tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS, đã theo dõi trực tuyến cuộc hạ cánh và chia sẻ những nhận xét được phát sóng trực tiếp.
"Nhân dịp này, tôi muốn nói với tất cả mọi người trên thế giới. Sứ mệnh lên Mặt Trăng thành công của Ấn Độ không chỉ của riêng chúng tôi mà là của cả thế giới. Điều đó được hiểu như là cách tiếp cận của chúng tôi về một Trái Đất, một gia đình, một tương lai đang tạo được tiếng vang trên toàn cầu", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Modi, cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đã thể hiện thông qua cách nước này thực hiện sứ mệnh lên Mặt Trăng. Vì vậy, thành công lần này thuộc về nhân loại và sẽ tạo nền tảng trong nỗ lực hỗ trợ các sứ mệnh lên Mặt Trăng của các quốc gia khác trong tương lai.
Hành trình của tàu vũ trụ Chandrayaan-3
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia thực hiện thành công sứ mệnh đưa tàu vũ trụ hạ cánh an toàn xuống cực nam của Mặt Trăng, khu vực mà con người vốn chưa khám phá hết. Khi tàu Chandrayaan-3 đến gần Mặt Trăng, camera hành trình đã chụp lại được nhiều bức ảnh cung cấp cận cảnh địa hình màu xám bụi bặm của Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ Mặt Trăng của Ấn Độ bao gồm 3 phần: một tàu đổ bộ, máy thám hiểm và mô-đun động cơ đẩy cung cấp tất cả lực đẩy cần thiết để vượt qua quãng đường 384.400 km (238.855 dặm) giữa Mặt Trăng và Trái Đất.
Tàu đổ bộ có tên Vikram từ tàu mẹ Chandrayaan-3 đã đáp xuống để hoàn thành các thao tác chính xác cần thiết trên bề mặt Mặt Trăng sau khi được đẩy ra khỏi mô-đun đẩy. Ẩn bên trong là robot nhỏ có tên gọi là Pragyan, một chiếc rover nhỏ 6 bánh được triển khai từ tàu đổ bộ bằng cách lăn xuống một đoạn đường dốc.
Vikram đã sử dụng bộ đẩy trên tàu để tự định hướng khi đến gần bề mặt Mặt Trăng và từ từ giảm tốc độ động cơ để hạ cánh. Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã có cú "tiếp đất êm ái" tại khu vực cực nam của Mặt Trăng vào lúc 18 giờ 4 phút ngày 23/8 (theo giờ New Delhi).
ISRO sau đó xác nhận họ đã thiết lập liên lạc hai chiều với tàu vũ trụ và chia sẻ những hình ảnh đầu tiên về bề mặt.
Tàu đổ bộ nặng khoảng 1.700 kg (3.748 pound) và tàu thăm dò nặng 26 kg (57,3 pound) được trang bị các dụng cụ khoa học, sẵn sàng thu thập dữ liệu để giúp các nhà nghiên cứu phân tích bề mặt Mặt Trăng và đưa ra những hiểu biết mới về thành phần của Mặt Trăng.
Tiến sĩ Angela Marusiak, Trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Mặt Trăng và Hành tinh của Đại học Arizona cho biết bà đặc biệt vui mừng khi tàu đổ bộ hạ cánh nhẹ nhàng trên bề mặt Mặt Trăng, trong đó có kết hợp đi kèm máy đo địa chấn có khả năng phát hiện các trận động đất bên trong Mặt Trăng.
Bà Marusiak cho biết nghiên cứu cách các lớp bên trong của Mặt Trăng chuyển động có thể là thông tin quan trọng cho những nỗ lực trên bề mặt Mặt Trăng trong tương lai.
Tàu đổ bộ và tàu thăm dò dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng hai tuần trên bề mặt Mặt Trăng. Mô-đun động cơ đẩy sẽ vẫn ở trên quỹ đạo, đóng vai trò là điểm chuyển tiếp để truyền dữ liệu về Trái Đất.
Cơn sốt Mặt Trăng toàn cầu
Hợp tác cùng với các đồng minh như Mỹ và Pháp, Ấn Độ là một phần của làn sóng cường quốc vũ trụ mới nổi thứ hai. Chương trình không gian của đất nước này đã trở thành một trong những chương trình hoạt động năng động nhất thế giới trong việc phát triển công nghệ vũ trụ thám hiểm.
Chandrayaan-3 là niềm tự hào dân tộc và được quan tâm rộng rãi trên khắp Ấn Độ. Rất nhiều người dân tập trung tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota thuộc bang Andhra Pradesh để theo dõi sứ mệnh cất cánh vào tháng 7. Vào ngày 23/8, hơn 8 triệu người đã theo dõi để xem buổi phát trực tiếp về cuộc đổ bộ.
Sau khi xác nhận cuộc hạ cánh thành công, người dân tỏ ra rất vui vẻ trong tiếng vỗ tay kéo dài hơn một phút. Những tiếng hô "Bharat Mata Ki Jai" - hay "chiến thắng của Ấn Độ" - vang lên và trẻ em vui vẻ vẫy cờ Ấn Độ. Sứ mệnh của Ấn Độ thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn kể từ nỗ lực hạ cánh Luna 25 của Nga không thành công.
Hàng chục quốc gia trên thế giới đang có kế hoạch thực hiện các sứ mệnh lên Mặt Trăng trong những năm tới, bao gồm cả sứ mệnh do Cơ quan vũ trụ Nhật Bản dự kiến sẽ thực hiện vào cuối tháng này.
Mỹ cũng có kế hoạch gửi 3 tàu đổ bộ thương mại lên Mặt trăng bắt đầu từ đầu năm nay, trong khi NASA tiếp tục nỗ lực hướng tới sứ mệnh Artemis III, có thể đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng ngay sau năm 2025.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, việc hạ cánh trên Mặt Trăng là một thử thách thực sự. Nhưng Mặt Trăng mang ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Đây là lý do tại sao gần đây chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều nỗ lực thăm dò bề mặt Mặt Trăng. Chúng tôi mong đợi tất cả những gì chúng tôi sẽ phát hiện được trong tương lai, bao gồm cả từ sứ mệnh Chandraayan-3 của Ấn Độ", Quản trị viên NASA Bill Nelson nhấn mạnh./.