Ấn Độ - Trung Quốc: Giữa ganh đua và hợp tác

Các khẩu hiệu 'Ấn Độ trước hết' và 'láng giềng trước hết' của Thủ tướng Ấn Độ Modi chứa đựng thông điệp gì cho thế giới, cho khu vực và cho nước lớn láng giềng? Phân tích của Báo TG&VN.

Thủ tướng Ấn Độ Narendar Modi (phải) và Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena tại Thủ đô Colombo, Sri Lanka. (Nguồn: Aljazeera)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chọn Maldives và Sri Lanka là những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi có được thêm nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai ở Ấn Độ. Chỉ riêng việc lại thắng cử như thế với đảng BJP trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi cũng đã đủ để giúp ông Modi trở thành một trong những thủ tướng cầm quyền rất thành công ở Ấn Độ.

“Láng giềng trước hết”, nhưng…

Một trong những nhân tố giúp ông Modi được như vậy hiện tại là định hướng quan điểm chính sách cầm quyền "Ấn Độ trước hết" của ông Modi - giống như khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông Donald Trump ở nước Mỹ. Khẩu hiệu ở hai nơi thì giống nhau như thế, nhưng nội hàm cụ thể ở hai cái "trước hết" lại không hoàn toàn giống nhau và cách thức ông Trump và ông Modi thực hiện chúng cũng vậy.

Ở Mỹ, ông Trump sử dụng cả những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại để xử lý quan hệ đối ngoại nói chung của Mỹ với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ. Ở Ấn Độ, ông Modi sử dụng một chiêu thức độc đáo được thiên hạ đặt cho cái tên gọi là "Láng giềng trước hết" trong xử lý những lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở khu vực Nam Á và với những đối tác ở bên ngoài khu vực nhưng ganh đua và cọ sát lợi ích với Ấn Độ ở khu vực, trước hết và đặc biệt là Trung Quốc. Chuyến công du Maldives và Sri Lanka này của ông Modi là bằng chứng mới nhất và cũng biểu trưng nhất.

Câu ngạn ngữ "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" thật đúng với nghĩa của cụm từ "Láng giềng trước hết", nhưng lại không hoàn toàn đúng trong trường hợp định hướng chính sách này của ông Modi bởi Trung Quốc và Pakistan đều là những láng giềng gần, có chung biên giới với Ấn Độ nhưng không được ông Modi liệt vào diện "trước hết" để tranh thủ mà lại để đối phó. Điều này không khó hiểu.

Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ nay tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ, lại còn chủ ý tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Ấn Độ ở các nước trong khu vực Nam Á. Giữa Ấn Độ và Pakistan tồn tại dai dẳng mối bất hòa liên quan đến chủ quyền đối với khu vực Kashmir, đến xung khắc mang tính sắc tộc và tôn giáo, đến khủng bố và chạy đua vũ trang, kể cả vũ trang hạt nhân. Với Pakistan, phía Ấn Độ hiện không có nhu cầu tranh thủ mà bị thách thức về an ninh và phải đối phó. Mọi nỗ lực nhằm bình thường hóa và cải thiện quan hệ cho đến nay chỉ nhằm để kiểm soát bất hòa là chính và trước hết và để phân hóa Pakistan với Trung Quốc đối với Ấn Độ.

Với Trung Quốc, Ấn Độ bị giằng xé giữa phải đối phó và cần thúc đẩy quan hệ hợp tác. Kế hoạch Một vành đai, một con đường hay Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan không phải là phương cách duy nhất Trung Quốc thực hiện cho tới nay để chinh phục khu vực Nam Á, gây dựng và mở rộng ảnh hưởng cũng như thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Ấn Độ không thể không đối phó và tìm cách làm phá sản mưu tính chiến lược và những bước đi sách lược của Trung Quốc với các nước trong khu vực. Nhưng Ấn Độ đồng thời phải duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc vì Trung Quốc vẫn là đối tác rất quan trọng của Trung Quốc, vì cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, vì ý tưởng lớn về khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương - mà Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia là trụ cột chính - hiện mới chỉ được đề cập đến nhiều hơn là đã được triển khai thực hiện quyết liệt và kiên định.

Maldives và Sri Lanka, tại sao?

Trong thời gian nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Modi ở Ấn Độ, tình hình chính trị ở cả Maldives lẫn Sri Lanka đều có những diễn biến bất lợi cho Ấn Độ và thuận lợi cho Trung Quốc. Nhưng trong những tháng ngày gần đây thì cục diện tình hình đã xoay chuyển và Ấn Độ dường như đã giành về lại lợi thế.

Cả Maldives lẫn Sri Lanka đều có tầm quan trọng rất to lớn và quyết định đối với những ý đồ chiến lược của Trung Quốc ở khu vực và cả xa hơn thế. Trung Quốc áp dụng chiến lược "Đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn" và "Đồng tiền giúp chặt bền quan hệ" với tất cả các nước trong khu vực, nhưng cần thành công hơn cả là đối với Pakistan, Maldives và Sri Lanka, vì thành công cho Một vành đai, một con đường và trước hết vì tạo vòng cung ảnh hưởng xung quanh Ấn Độ.

Chính sách "Láng giềng trước hết" và "Ấn Độ trước hết" của ông Modi xem ra được người này lựa chọn vì cả tác động dân túy trong đối nội lẫn hiệu ứng đối ngoại và chính trị khu vực của nó. Nhưng ông Modi thành công đến đâu thì lại là chuyện khác và chuyến công du này của ông Modi chưa đưa lại sự đảm bảo chắc chắn. Trung Quốc sẽ không để cho ông Modi cầu được, ước thấy và toại nguyện. Cả Maldives lẫn Sri Lanka đều sẽ dùng con bài Ấn Độ trong quan hệ của họ với Trung Quốc và chơi con bài Trung Quốc trong quan hệ của họ với Ấn Độ.

Cho nên vừa ganh đua vừa hợp tác với Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức lớn nhất và khó khắc phục nhất đối với ông Modi trong nhiệm kỳ cầm quyền mới ở Ấn Độ.

Dịch Dung

DỊCH DUNG

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-trung-quoc-giua-ganh-dua-va-hop-tac-95681.html