Ấn Độ và khát vọng chinh phục không gian

Tiến vào vũ trụ đang trở thành cuộc đua của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Ấn Độ. Trong suốt những năm 90 của thế kỷ trước, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ đã tiến hành một loạt chương trình nghiên cứu với chi phí phải chăng nhất thế giới.

Ngày nay, Ấn Độ đang khuyến khích các công ty khởi nghiệp tham gia nhiều hơn vào các sứ mệnh khám phá vũ trụ, đặt mục tiêu trở thành một cường quốc trong lĩnh vực không gian.

Không giống như các chương trình không gian của NASA hay Liên Xô, vốn đặt mục tiêu khám phá không gian để phục vụ các tham vọng về khoa học to lớn của mỗi quốc gia, cơ quan vũ trụ Ấn Độ được giao nhiệm vụ tạo nên một chương trình không gian mang tính bản địa, nhằm giúp Ấn Độ đạt được những lợi thế thiết thực nhất mà không gian có thể đem lại.

Ông ANURAG KOTOKY, Phóng viên Bloomberg News: “Ấn Độ luôn khẳng định rằng chúng tôi muốn phát triển khoa học vũ trụ để cải thiện cuộc sống của người dân. Nếu quan sát kĩ, bạn sẽ nhận thấy rằng, Ấn Độ sử dụng công nghệ không gian để phát triển lĩnh vực viễn thông và điện tử.”

Cho tới năm 1994, Ấn Độ đã có tên lửa nhiên liệu lỏng của riêng mình, gọi tắt là PSLV.

Ông AWAIS AHMED, Nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Pixxel: “Đầu những năm 2000 tới năm 2020 là giai đoạn tên lửa PSLV khẳng định vị trí trên thế giới. Mọi người tìm đến Ấn Độ để phóng vệ tinh với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều, với chất lượng đảm bảo.”

Điều khiến Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ và lĩnh vực không gian của nước này tự hào nhất là họ đạt được những thành quả đáng kể với chi phí rất nhỏ. Sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ thậm chí có chi phí thấp hơn chi phí sản xuất bộ phim The Martian – Người về từ sao Hỏa.

Ông AWAIS AHMED, Nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Pixxel: “Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Giờ đây, trách nhiệm được đặt lên vai các công ty tư nhân để đưa nghiên cứu vũ trụ lên tầm cao mới, cho dù các nghiên cứu đó được ứng dụng trong lĩnh vực thông tin liên lạc, quan sát trái đất hay định vị toàn cầu.”

Năm 1990, các quốc gia Châu Á chỉ chiếm 9% tổng mức chi tiêu cho khám phá không gian trên toàn cầu, bây giờ con số này là 19% và đang tiếp tục tăng lên. Và Ấn Độ quyết tâm trở thành người dẫn đầu chứ không phải kẻ theo sau trong cuộc đua không gian mới này.

Thực hiện : QT

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/an-do-va-khat-vong-chinh-phuc-khong-gian