Ấn Độ và Pakistan âm thầm 'lên dây cót' cho trận đấu tiếp theo
Dù lo ngại xung đột hạt nhân, cả Ấn Độ và Pakistan vẫn đang tăng cường mua sắm vũ khí và theo đuổi công nghệ mới để giành lợi thế quân sự.
Dọc theo đường biên giới giới giữa Ấn Độ và Pakistan, dư âm của 5 ngày giao tranh vẫn còn hiện hữu. Cuộc xung đột ngắn ngủi đã tạo ra trạng thái “bình thường mới” đầy nguy hiểm, luôn rình rập nguy cơ leo thang.
New Delhi tuyên bố Chiến dịch Sindoor - nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng 4 tại vùng lãnh thổ Kashmir - vẫn chưa kết thúc. Trong khi đó, Pakistan đã phong đại tướng Asim Munir lên quân hàm thống chế để ghi công ông trong chiến dịch phòng thủ “thành công” từ ngày 7 đến 11/5.
Islamabad tuyên bố sẵn sàng cho các cuộc đụng độ kế tiếp, song cảnh báo bất kỳ leo thang nào cũng có thể đẩy hai nước đến bờ vực xung đột hạt nhân. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thì khẳng định sẽ không khuất phục trước cái gọi là “chiêu bài hù dọa hạt nhân”.
Chạy đua công nghệ và chiến thuật mới
Theo các chuyên gia, nếu xung đột tiếp tục xảy ra, diễn biến sẽ phụ thuộc vào tương quan sức mạnh và điểm yếu của quân đội hai nước. Cựu cố vấn Nhà Trắng về Nam Á, ông Joshua White, nhận định các cuộc đụng độ tương lai có thể có sự tham gia của bộ binh và hải quân, thay vì chỉ không quân như vừa qua.
Chuyên gia Boyko Nikolov đánh giá xung đột vừa qua mang tính bất thường: Không có hoạt động chiếm đóng, nhưng vẫn có pháo kích và không kích. Ông dự báo Ấn Độ sẽ sử dụng máy bay không người lái theo bầy đàn, một số có thể được tích hợp trí tuệ nhân tạo, để không kích chính xác vào mục tiêu ẩn sâu tại vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Cách làm này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào máy bay có người lái sau khi Ấn Độ bị tổn thất vài chiếc chiến đấu cơ, trong đó có thể có chiếc Rafale của Pháp.
Để đối phó, Pakistan có thể dùng chiến thuật kết hợp UAV giá rẻ có vũ trang và lực lượng thân Islamabad tại Kashmir, vốn được trang bị tên lửa phòng không vác vai để chống UAV Ấn Độ.
Cả hai nước được cho là sẽ tiếp tục tìm mua vũ khí từ các đối tác nước ngoài. Ấn Độ hiện mua chủ yếu từ Mỹ, Pháp và Nga; trong khi Pakistan gần như chỉ mua từ Trung Quốc.
Chuyên gia Abdul Basit từ Singapore dự báo hai bên sẽ tăng cường mua UAV, tên lửa tầm xa, và hệ thống gây nhiễu điện tử. Cả hai sẽ tung ra những công nghệ và vũ khí chưa từng sử dụng nhằm tạo bất ngờ và giành lợi thế.

Một máy bay chiến đấu J-10C của Không quân Pakistan. Ảnh: Không quân Pakistan.
Thế lưỡng nan của vũ khí thế hệ 5
Bất chấp lo ngại toàn cầu về hạt nhân, ông Nikolov cho rằng Ấn Độ đang có lợi thế ngắn hạn trong công tác tái vũ trang nhờ quan hệ thân thiết với Mỹ và Pháp. Ông dự đoán Mỹ sẽ đẩy nhanh chuyển giao UAV MQ-9B và vũ khí chính xác cho tiêm kích Rafale, trong khi Pháp có thể cung cấp nhanh một số tên lửa từ kho dự trữ.
Ngược lại, Pakistan bị hạn chế do phụ thuộc Trung Quốc - quốc gia nhiều khả năng sẽ hành động thận trọng để tránh gây bất ổn khu vực. Bắc Kinh có thể chỉ cung cấp lô nhỏ UAV và vũ khí cho tiêm kích J-10C, không mở rộng quy mô như kỳ vọng của Islamabad.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, hiệu quả của tiêm kích JF-17 và J-10C của Pakistan khi đối đầu Rafale, Mirage và Sukhoi-30 của Ấn Độ đã thách thức quan niệm lâu nay về ưu thế công nghệ phương Tây. Việc một chiếc Rafale bị bắn hạ bởi J-10C trang bị tên lửa PL-15 khiến giới quân sự ngạc nhiên.
Trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ gia tăng, cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan đang dần bị cuốn vào cuộc chạy đua chiến lược toàn cầu. Cả hai đều muốn sở hữu tiêm kích tàng hình thế hệ 5, dù điều này có thể làm suy giảm phần nào quyền tự chủ chiến lược của họ.
Pakistan có thể trở thành khách hàng đầu tiên sở hữu tiêm kích J-35 của Trung Quốc, và phi công nước này đã bắt đầu huấn luyện sử dụng. Song song, Pakistan cũng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển tiêm kích Kaan thế hệ 5 trong vòng 10 năm tới.
Ông White nhận định Pakistan tin tưởng Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy. Nếu được trang bị J-35, Pakistan sẽ có lợi thế lớn nhờ khả năng tàng hình và hệ thống điện tử hiện đại.
Trong khi đó, Ấn Độ phải lựa chọn giữa F-35 của Mỹ hoặc Su-57 của Nga, hoặc tiếp tục phát triển dự án nội địa AMCA - vốn bị nghi ngờ do tiến độ chậm. Nếu chọn F-35, New Delhi sẽ phải chấp nhận quy trình giám sát chặt chẽ của Mỹ. Nếu chọn Su-57, họ có thể nhận được mẫu máy bay chưa kiểm chứng và kém hiện đại hơn.
Dù vẫn đầu tư vào các dự án nội địa như Tejas Mark II hay AMCA, giới phân tích cho rằng tiến độ hiện tại chưa đủ để Ấn Độ sớm có tiêm kích thế hệ 5. Khoảng trống chiến lược này mở ra cơ hội để Mỹ và Trung Quốc điều chỉnh chính sách hỗ trợ, qua đó tác động sâu hơn đến cán cân quyền lực khu vực.
Theo ông Basit, dù muốn bán vũ khí, cả Mỹ và Trung Quốc đều không mong hai quốc gia hạt nhân thường xuyên giao tranh. Washington muốn Ấn Độ tập trung đối phó Trung Quốc, thay vì sa lầy vào mâu thuẫn với Pakistan. Trong khi đó, Bắc Kinh muốn giữ hòa khí để tránh nguy cơ Ấn Độ ngả hẳn về phía Mỹ.