Ấn Độ và Pakistan tăng tốc cuộc đua UAV sau căng thẳng biên giới

Đụng độ bằng máy bay không người lái trong tháng 5 được xem là bước khởi đầu cho cuộc chạy đua công nghệ quân sự mới giữa hai quốc gia Nam Á có tiềm lực quốc phòng lớn.

Tối 8/5, bầu trời TP Jammu ở miền Bắc Ấn Độ rực sáng trong tiếng nổ của hệ thống phòng không. Các lực lượng nước này đã khai hỏa để ngăn chặn một loạt máy bay không người lái (UAV) xuất phát từ bên kia biên giới. Dù đã từng trải qua nhiều thập kỷ căng thẳng quân sự, đây là lần đầu tiên Ấn Độ và Pakistan sử dụng UAV ở quy mô lớn trong một cuộc đụng độ kéo dài nhiều ngày.

Cuộc đối đầu kết thúc sau khi Mỹ đứng ra làm trung gian thúc đẩy một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, thay vì hạ nhiệt, hai quốc gia Nam Á, vốn đã chi hơn 96 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2024, hiện đang tăng tốc phát triển năng lực UAV.

Các cuộc phỏng vấn với giới chức an ninh, chuyên gia quốc phòng và doanh nghiệp ở cả hai bên cho thấy một xu hướng chung: UAV ngày càng trở thành phương tiện ưu tiên trong chiến lược phòng vệ và răn đe.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Ấn Độ. Ảnh: General Atomics Aeronautical System

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Ấn Độ. Ảnh: General Atomics Aeronautical System

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, UAV giúp các quốc gia đạt được hiệu quả tác chiến mà không gây tổn thất nhân sự, đồng thời giảm nguy cơ leo thang ngoài kiểm soát.

“Máy bay không người lái cho phép các nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm và kiểm soát kỳ vọng trong nước mà không phải hy sinh phi công hay các nền tảng đắt đỏ” - giáo sư Walter Ladwig III tại King's College London nhận định.

Tại Ấn Độ, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp UAV đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo ông Smit Shah, đại diện Liên đoàn UAV Ấn Độ, nước này dự kiến chi tới 470 triệu USD cho UAV trong vòng 12 - 24 tháng tới, gần gấp ba lần so với mức đầu tư trước đây. Con số này nằm trong gói mua sắm quốc phòng khẩn cấp trị giá 4,6 tỷ USD vừa được chính phủ phê duyệt, trong đó một phần sẽ được phân bổ cho các hệ thống UAV chiến đấu và giám sát.

Ông Vishal Saxena, Phó Chủ tịch công ty UAV ideaForge - nhà cung cấp hơn 2.000 UAV cho các lực lượng an ninh Ấn Độ - cho biết quá trình thử nghiệm hiện được đẩy nhanh đáng kể. Trước đây, các thủ tục thường mất nhiều năm nhưng nay đã có sự chuyển biến rõ rệt về tốc độ và quy trình phê duyệt.

Ở phía bên kia, Pakistan cũng đang tích cực thúc đẩy các chương trình UAV nhằm tối ưu hóa nguồn lực và hạn chế rủi ro với các phương tiện tác chiến có người lái. Theo các nguồn thạo tin, quốc gia này đang tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển năng lực sản xuất nội địa. Một số UAV như YIHA-III được lắp ráp tại chỗ với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác quốc tế.

Căng thẳng leo thang trong tháng 5 được cho là bắt đầu sau một vụ tấn công tại khu vực tranh chấp Kashmir khiến hàng chục người thiệt mạng. Ấn Độ sau đó đã triển khai không kích nhằm vào các mục tiêu được cho là cơ sở hạ tầng quân sự phía bên kia đường biên. Phản ứng lại, Pakistan sử dụng hàng trăm UAV để trinh sát các điểm trọng yếu dọc tuyến biên giới dài hơn 1.700 km.

Theo các quan chức Ấn Độ, New Delhi cũng triển khai một loạt UAV hiện đại như HAROP của Israel, WARMATE của Ba Lan và một số mẫu nội địa. Các UAV này được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu được đánh giá là có giá trị chiến lược.

Nguồn tin từ Pakistan cho biết họ đã sử dụng nhiều loại UAV, trong đó có YIHA-III, Songar của Thổ Nhĩ Kỳ và Shahpar - II do trong nước sản xuất. Một số UAV của Ấn Độ bị cho là đã bị bắn hạ nhờ hệ thống phòng không tích hợp radar hiện đại, được cải tiến từ các nền tảng thời Chiến tranh Lạnh.

Chuẩn tướng về hưu Anshuman Narang, chuyên gia UAV tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Chung của New Delhi, cho biết hệ thống phòng không của Ấn Độ đã thể hiện hiệu quả cao hơn dự kiến khi đối phó với UAV.

“Hiệu quả gấp nhiều lần so với những gì tôi từng hình dung” - ông nói.

Cả hai bên đều khẳng định đã đạt được kết quả tích cực từ việc sử dụng UAV. Trong khi phía Ấn Độ cho rằng họ đã tấn công thành công các mục tiêu trọng yếu mà không phải đối mặt với tổn thất lớn, phía Pakistan khẳng định việc sử dụng UAV giúp truyền đi thông điệp răn đe mà vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát quốc tế.

Đọc thêm: EU phân vân: tiếp tục hay chấm dứt hỗ trợ hàng triệu người tị nạn Ukraine?

Mặc dù một số UAV bị mất, cả hai quốc gia đều không có dấu hiệu chững lại. Chuyên gia Michael Kugelman tại Washington nhận định: “UAV tuy không gây hiệu ứng như máy bay chiến đấu hay tên lửa, nhưng vẫn thể hiện sức mạnh và quyết tâm chính trị rõ rệt."

Tại Ấn Độ, nhiều công ty trong nước đang được khuyến khích phát triển dòng UAV mang đạn dược có khả năng hoạt động tầm xa, linh hoạt và chi phí thấp. Ông Sameer Joshi, người đứng đầu công ty UAV NewSpace, nhận định đây là bước đi cần thiết để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng khả năng tác chiến trong môi trường hiện đại.

Tuy nhiên, cả hai bên đều đối mặt với thách thức lớn trong chuỗi cung ứng. Các chuyên gia trong ngành tại Ấn Độ thừa nhận rằng một phần linh kiện UAV hiện vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc - quốc gia đang có quan hệ hợp tác quốc phòng với Pakistan. Những linh kiện này bao gồm nam châm và pin lithium vốn rất khó thay thế trong ngắn hạn.

“Đa dạng hóa nguồn cung là mục tiêu dài hạn, không thể đạt được trong một sớm một chiều,” ông nhận định.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-do-va-pakistan-tang-toc-cuoc-dua-uav-sau-cang-thang-bien-gioi.717109.html