Những bất ổn sau khi cơ quan cứu trợ mới bắt đầu hoạt động ở Gaza
Quỹ Nhân đạo Gaza do Mỹ hậu thuẫn với sự hợp tác của Israel, đã thay thế lực lượng của Liên hợp quốc (LHQ), trong việc phân phối hàng viện trợ ở Gaza.
Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) cho biết, cơ quan này đã bắt đầu hoạt động tại Dải Gaza vào ngày 26/5 như kế hoạch ban đầu.
Tuyên bố của GHF không nêu rõ số lượng hàng cứu trợ được phân phối trong ba ngày qua, nhưng có kèm theo hình ảnh một số người dân Gaza đang nhận các gói hàng cứu trợ từ một địa điểm phân phối.
GHF nói, lượng hàng cứu trợ cung cấp cho người dân Gaza sẽ tăng lên mỗi ngày.
Quỹ này lên án những lời đe dọa của Hamas đối với các nhóm cứu trợ đã đồng ý hợp tác với GHF.

Người dân Palestine nhận các hộp hàng viện trợ nhân đạo tại một địa điểm phân phối do GHF quản lý nghiêm ngặt, ngày 26/5. Nguồn: GHF.
“Rõ ràng là Hamas đang bị đe dọa bởi mô hình hoạt động phân phối viện trợ mới này và sẽ làm mọi cách để khiến mô hình này thất bại.”, GHF nói.
GHF cũng thông báo rằng, ông John Acree đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành tạm thời của tổ chức này, sau khi Giám đốc trước đó từ chức vào 25/5 và cho biết, các hạn chế của Israel đang ngăn cản sáng kiến này tuân thủ các nguyên tắc nhân đạo.
GHF là một công ty của Mỹ, được thành lập vào đầu năm nay thông qua sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền Israel, nhằm thay thế cơ quan cứu trợ của LHQ trong việc phân phối hàng viện trợ ở Gaza.

Trẻ em Palestine ở Gaza đang phải vật lộn với cái ăn hàng ngày. Nguồn: RTENews.
Mỹ và Israel cho rằng, các cơ chế phân phối viện trợ hiện có do LHQ và các tổ chức quốc tế khác đứng đầu không đủ để ngăn chặn nguồn hàng rơi vào tay phong trào kháng chiến Hamas.
Israel muốn thiết lập một số số địa điểm phân phối nhất định, nơi những đại diện gia đình được chỉ định trước có thể nhận một gói thực phẩm cho gia đình họ trong khu vực được các nhà thầu tư nhân Mỹ bảo vệ và điều hành.
Bé gái 12 tuổi ở Gaza phải vật lộn với tình trạng suy kiệt. Nguồn: Aljazeera.
Tuy vậy, GHF vẫn cần sự hỗ trợ và hợp tác từ các tổ chức nhân đạo hiện có, bởi muốn giành được sự tín nhiệm trên thực địa.
Tuy nhiên, LHQ và nhiều tổ chức quốc tế khác ở Gaza tuyên bố không hợp tác với GHF, lập luận rằng, sáng kiến viện trợ này vi phạm các nguyên tắc nhân đạo bằng cách yêu cầu người dân Gaza phải đi bộ vượt qua quãng đường dài để lấy hàng cứu trợ và hạn chế phân phối đến phía bắc Gaza, như là cách cưỡng bức người Palestine di dời.

Các điểm cứu trợ ít ỏi được thiết lập ở phía Nam Gaza, buộc người dân Gaza phải di dời để nhận được hàng cứu trợ. Nguồn: GHF.
Các quan chức LHQ cũng bày tỏ lo ngại rằng, GHF có thể được sử dụng để “vũ khí hóa” hàng viện trợ nhân đạo bằng cách hạn chế những đối tượng đủ điều kiện nhận viện trợ.
Cho đến nay, một số ít tổ chức ít được biết đến đã đồng ý hợp tác với GHF, bao gồm nhóm cứu trợ Rahma Worldwide có trụ sở tại Mỹ.
GHF cho biết các điểm phân phối của họ, gồm 3 điểm ở phía nam Gaza và một ở trung tâm Gaza, sẽ được các công ty an ninh tư nhân bảo vệ và hàng viện trợ của họ sẽ đến được với 1 triệu người Palestine, tức khoảng một nửa dân số Gaza, vào cuối tuần.

Người dân Palestine phải di chuyển quãng đường dài để nhận các gói thực phẩm từ GHF ở thành phố Rafah, phía nam Gaza, ngày 27/5. Ảnh: AFP/Getty.
Dưới áp lực từ các đồng minh và cộng đồng quốc tế, Israel đã bắt đầu cho phép một lượng hạn chế hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza vào tuần trước, sau khi chặn mọi nguồn thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác vào Gaza kể từ ngày 2/3, cùng với việc nối lại các hoạt động quân sự dữ dội trên khắp dải đất.
Hôm 26/5, Hamas đã cảnh báo người Palestine không nên hợp tác với hệ thống viện trợ mới, nói rằng hệ thống này phục vụ những mục đích riêng của Israel và Mỹ.
Các nhóm cứu trợ cho biết, việc phân phối hàng cứu trợ đã bị cản trở do nạn cướp bóc, đồng thời đổ lỗi cho Israel đã tạo ra tình trạng hàng trăm nghìn người dân rơi vào tình cảnh tuyệt vọng vì lệnh phong tỏa viện trợ.

Người dân Palestine tiếp tục phải di dời về phía Nam Gaza, ngày 25/5. Ảnh: Omar al-Qattaa / AFP.
Ngày 26/5, Cơ quan Y tế Gaza cho biết, ít nhất 3.822 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel đơn phương phá vỡ lệnh ngừng bắn ngày 18/3, nâng tổng số người chết trong cuộc xung đột, lên gần 54.000 người, chưa bao gồm khoảng 10.000 người mất tích được cho đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Cuộc chiến tái bùng phát vào ngày 7/10/2023, sau khi các chiến binh Hamas bất ngờ thực hiện cuộc đột kích xuyên biên giới nhắm vào miền Nam Israel, giết chết khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, bắt cóc khoảng 251 người khác làm con tin.
Theo phía Israel, hiện vẫn còn khoảng 58 con tin, bao gồm những trường hợp được xác nhận đã tử vong, còn bị Hamas giam giữ ở Gaza.