Ấn Độ vượt Pakistan về số đầu đạn hạt nhân, tình hình căng như dây đàn
Vụ tấn công tàn khốc ở Kashmir đã khiến Ấn Độ thực hiện những biện pháp cương quyết để đáp trả Pakistan. Thế giới lo ngại khi hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân, riêng Ấn Độ đã lần đầu tiên gia tăng kho đầu đạn hạt nhân của mình vượt đối thủ.
Tình hình nóng lên đột ngột, Ấn Độ tỏ rõ thái độ cứng rắn với Pakistan
Lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, Ấn Độ đã lặng lẽ vượt qua Pakistan về số đầu đạn hạt nhân, tạo ra thay đổi trong thế cân bằng chiến lược ở khu vực Nam Á.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V của Ấn Độ, với khả năng mang được đầu đạn hạt nhân. Ảnh: al Jazeera.
Sau khi căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan (2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân) theo sau vụ tấn công tàn khốc ở Kashmir làm 26 du khách thiệt mạng, vùng Nam Á xích lại gần hơn một cuộc đối đầu quân sự tiềm tàng.
Tại thung lũng Baisaran, các chiến binh Pakistan đã phục kích 26 du khách, phá tan bầu không khí yên bình tại đây.
Chính quyền Ấn Độ đã phản ứng khẩn trương và cứng rắn trước vụ việc này. Họ đã san phẳng nhà của các chiến binh nghi phạm. Lực lượng an ninh Ấn Độ cũng đột kích vào những nơi ẩn náu của các đối tượng đó. Cơ quan chức năng Ấn Độ cũng thẩm vấn sâu hàng trăm dân thường bị nghi là hỗ trợ các chiến binh này.
Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ đã hướng dẫn các cơ quan truyền thông ngừng phát sóng trực tiếp về hoạt động quân sự nhằm bảo đảm an ninh cho hoạt động tác chiến và trật tự công cộng.
Ấn Độ đồng thời cũng quy trách nhiệm cho Pakistan là đứng sau lực lưọng tấn công khủng bố ở Kashmir. Ấn Độ đã trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan, đóng cửa biên giới với Pakistan và đình chỉ Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn với Pakistan.
Mối nguy hiểm mang tên vũ khí hạt nhân
Trong bối cảnh ấy, giới quan sát đặc biệt chú ý đến cán cân vũ khí hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan đã có sự thay đổi.
Theo báo cáo “Trạng thái Lực lượng hạt nhân thế giới” mới nhất do Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố, Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 180 đầu đạn hạt nhân, vượt qua con số ước tính là 170 của Pakistan.
Đây là lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, Ấn Độ vượt đối thủ về quy mô kho vũ khí hạt nhân, cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong khung cảnh chiến lược của Nam Á.
Báo cáo năm 2024 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ gồm khoảng 172 đầu đạn, nhỉnh hơn một chút so với con số 170 của Pakistan.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ bắt đầu vào năm 1974, khi họ thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên, trở thành nước thứ 6 trên thế giới sử hữu năng lực vũ khí hạt nhân. Gần 1/4 thế kỷ sau đó, Pakistan bám theo sát Ấn Độ và thực hiện những vụ thử hạt nhân đầu tiên của mình vào năm 1998 để đáp trả các động thái của Ấn Độ, đưa hai nước vào cuộc cạnh tranh hạt nhân.
Trong phần lớn thời gian của 2 thập kỷ qua, Pakistan duy trì một lợi thế nhẹ về số lượng đầu đạn hạt nhân, một phần nhờ vào việc phát triển các vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm bù lại ưu thế của Ấn Độ về lực lượng thông thường.
Tuy nhiên chiến dịch hiện đại hóa hạt nhân của Ấn Độ, đặc biệt là vụ thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-5 trang bị đầu đạn MIRV vào đầu năm 2025, đã tăng đáng kể tầm bắn và độ linh hoạt của vũ khí hạt nhân Ấn Độ. Công nghệ MIRV giúp một quả tên lửa riêng lẻ có thể tấn công nhiều mục tiêu - đây là bước nhảy vọt về năng lực tấn công, gây thêm phức tạp cho các tính toán chiến lược của không chỉ Pakistan mà còn cả Trung Quốc.
Cả Ấn Độ và Pakistan hiện đang chạy đua phát triển năng lực MIRV, mở ra chương trình mới đầy nguy hiểm trong cuộc cạnh tranh hạt nhân giữa 2 nước.
Ấn Độ gia tăng tổng thể sức mạnh quốc phòng
Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cho giai đoạn 2025-2026 đã tăng lên mức ước tính là 79 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2024. Ấn Độ hiện chi cho quốc phòng ở mức gần gấp 10 lần Pakistan.
Với khoản tiền lớn đổ vào quân sự, hiện Ấn Độ đã mở rộng kho vũ khí của mình bằng máy bay chiến đấu Rafale, hệ thống phòng không S-400 của Nga và việc hiện đại hóa ồ ạt cả lục quân, không quân và hải quân.
Trong khi đó, Pakistan dựa chủ yếu vào lực lượng lục quân thường trực đông đảo và khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Với ngân sách hạn hẹp hơn nhiều, Pakistan buộc phải lựa chọn ưu tiên trong hiện đại hóa quân sự.
Chính sách hạt nhân của Ấn Độ là “không sử dụng trước”. Nhưng những năm gần đây, chính sách này đã có sự thay đổi. Giới quan chức cấp cao của Ấn Độ đã bóng gió rằng trước một vụ tấn công khủng bố lớn của đối phương, nước này có thể kích hoạt trả đũa bằng hạt nhân trong những hoàn cảnh nhất định, đặc biệt là nếu đối phương có sử dụng tới vũ khí hóa học hoặc sinh học.
Trong khi đó, Ấn Độ theo đuổi xây dựng bộ 3 hạt nhân (với năng lực tấn công hạt nhân từ trên bộ, trên không và trên biển), càng khiến họ có điều kiện đáp trả bằng những lựa chọn chưa từng có tiền lệ.
Các tên lửa tầm xa như Agni-V (và Agni-VI trong tương lai) có tầm bắn không chỉ tới Pakistan mà còn cả Trung Quốc, cho thấy các kịch bản mà Ấn Độ đã nhắm tới.
Đã vậy, hiện nay Ấn Độ vẫn chưa tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện.
Vì những lẽ trên, nguy cơ xung đột hạt nhân đang thực sự hiện hữu tại Nam Á.