Ấn Độ: Xe tự hành xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh trên bề mặt Mặt Trăng

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) ngày 29/8 cho biết Máy quang phổ phân hủy bằng tia laser (LIBS) trên xe tự hành Pragyan đã xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh trên bề mặt gần cực Nam Mặt Trăng thông qua các phép đo tại chỗ đầu tiên.

Pragyan là xe tự hành thuộc sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Chandrayaan-3, do ISRO phát triển.

Hình ảnh do Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cung cấp ngày 25/8/2023 cho thấy tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình ảnh do Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cung cấp ngày 25/8/2023 cho thấy tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ISRO, “các phép đo tại chỗ này (của LIBS) xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh (S) trong khu vực một cách rõ ràng, điều không thể thực hiện được bằng các thiết bị trên tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo”. Trước đó, cùng ngày, ISRO cho biết các phân tích sơ bộ được trình bày bằng đồ họa đã tiết lộ sự hiện diện của nhôm (Al), lưu huỳnh (S), canxi (Ca), sắt (Fe), crom (Cr) và titan (Ti) trên bề mặt Mặt trăng. Các phép đo sâu hơn đã cho thấy sự hiện diện của mangan (Mn), silicon (Si) và oxy (O). ISRO cho biết “một cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự hiện diện của hydro đang được tiến hành”.

LIBS được phát triển tại Phòng thí nghiệm hệ thống quang điện (LEOS) của ISRO ở thủ phủ Bengaluru của bang Karnataka. LIBS là một kỹ thuật khoa học phân tích thành phần của vật liệu bằng cách cho chúng tiếp xúc với các tia laser cường độ cao. Tia laser năng lượng cao được tập trung vào bề mặt vật liệu tạo ra plasma cực nóng và cục bộ. Ánh sáng thu được sẽ được phân giải quang phổ và được phát hiện bởi các máy dò như thiết bị ghép nối điện tích. Vì mỗi nguyên tố phát ra một tập hợp bước sóng ánh sáng đặc trưng khi nó ở trạng thái plasma nên thành phần nguyên tố của vật liệu được xác định.

Chandrayaan-3 đã thực hiện thành công cuộc hạ cánh mềm trên bề mặt Mặt Trăng vào ngày 23/8, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới hạ cánh thành công trên Mặt Trăng. Ấn Độ cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng khi trở thành quốc gia đầu tiên đặt chân đến gần cực Nam Mặt Trăng, khu vực được cho là có lượng băng nước đáng kể. Các chuyên gia cho rằng nếu lớp băng này có thể tiếp cận được, thì nó có thể được khai thác để làm nhiên liệu cho tên lửa và hỗ trợ sự sống cho các sứ mệnh của phi hành đoàn trong tương lai.

Ngọc Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/an-do-xe-tu-hanh-xac-nhan-su-hien-dien-cua-luu-huynh-tren-be-mat-mat-trang-20230830061615389.htm