Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ mới đây thông báo, họ đã tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không Akash-NG thế hệ mới.
Vụ thử thành công đối với đạn đánh chặn của tổ hợp tên lửa phòng không Akash-NG đã được thông báo ở tài khoản chính thức của DRDO trên mạng xã hội X (trước kia được gọi là Twitter).
Theo tiết lộ từ DRDO, tổ hợp phòng không Akash-NG đã phóng thành công tên lửa và tiêu diệt mục tiêu là một chiếc máy bay không người lái tốc độ cao ngoài khơi bờ biển Odisha.
Bài kiểm tra đánh giá nói trên đã xác nhận đầy đủ tính năng của hệ thống phòng không mới trong việc đánh chặn các vật thể tấn công đường không khác nhau có thể đe dọa những đối tượng cần bảo vệ dưới mặt đất.
Tên lửa đánh chặn thế hệ mới của hệ thống Akash-NG sử dụng đầu dẫn đường radar chủ động, giúp nó có khả năng tự động tìm mục tiêu thông qua điều chỉnh sóng vô tuyến khi bắn ở cự ly tầm xa.
Quả đạn được trang bị khả năng phá hủy mục tiêu trên không ở tầm bắn tối đa 80 km và độ cao lên tới 15 km. Xe phóng cũng như các container vận chuyển và phóng được gắn trên xe đầu kéo bánh lốp có khả năng việt dã cao.
Tổ hợp Akash-NG được thiết kế để Không quân Ấn Độ sử dụng trong việc bảo vệ các sân bay, cụm trú quân hay cơ sở hạ tầng quan trọng. Lần phóng thử thành công mới nhất sẽ cho phép DRDO tiếp tục phát triển và đưa hệ thống vào sản xuất hàng loạt.
Tên lửa Akash-NG của Ấn Độ được cho là đã ứng dụng một số công nghệ từ Israel, sau khi New Delhi và Tel Aviv hợp tác phát triển hệ thống phòng không tầm trung Barak-8.
Đạn đánh chặn của Akash-NG khác biệt hoàn toàn so với Akash nguyên bản, trong khi quả đạn cũ thực chất chỉ là biến thể cải tiến từ tên lửa 3M9 thuộc tổ hợp phòng không 2K12 Kub do Liên Xô sản xuất từ thập niên 1960 đã rất lạc hậu.
Tên lửa cũ của Akash bị nhận xét có sức cơ động không cao, sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng khiến công tác chuẩn bị chiến đấu cũng như đảm bảo hậu cần vô cùng phức tạp và tốn kém.
Vấn đề cần lưu ý nữa đó là Ấn Độ dự kiến sẽ xuất khẩu sang Armenia hệ thống phòng không Akash do nước này phát triển, New Delhi đã thành công khi có được hợp đồng đầu tiên sau thời gian dài tìm khách hàng trên khắp thế giới.
Thỏa thuận được ký kết quy định việc xuất khẩu 15 tổ hợp phòng không Akash với trị giá lên đến 720 triệu USD, quá trình giao hàng chưa được thông báo nhưng có thể sẽ sớm bắt đầu trong tương lai gần.
Mặc dù vậy, chưa rõ phiên bản tên lửa phòng không Akash mà Quân đội Armenia sẽ nhận là biến thể cơ sở hay sẽ là bản nâng cấp Akash-NG mạnh vượt trội vừa được Ấn Độ thử nghiệm thành công?
Bên cạnh Armenia, Ấn Độ cũng đang chào bán tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Akash cho những đối tác truyền thống của mình tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, đáng tiếc là nỗ lực của New Delhi chưa mang lại kết quả tích cực.