Ăn đòn quân ta
Trong ba mươi chín kỹ sư quân sự khóa 1 mới tốt nghiệp được bổ xung vào chiến trường 559 ngày ấy thì bốn đứa tôi là phải đi sâu nhất nhưng đi dài nhất là tôi.
Ba người được nhận nhiệm vụ tại sư đoàn bộ trên đất Cam Pu Chia, con tôi về Binh trạm 37 nơi ngã ba biên giới, nghĩa là tôi phải quay lại tỉnh Atopơ bốn ngày đường. Hay thật đấy. Hơn hai tháng lội bộ leo Trường Sơn. Mang nặng, đói ăn, bom đuổi, biệt kích rình rập, nắng mưa. . . mà vẫn cứ nhơn nhơn ra với nhau. Thế mà bây giờ chia tay nhau, lại khóc. Lê An (cao xạ ) mau nước mắt nhất. An khóc làm Đinh Hồng Đức ( Lớp đạn ) khóc theo. Thấy thế nguyễn Văn Giảng ( trạm nguồn ) quát : - Hai thằng nay hay nhỉ. Để yên cho nó đi chứ. Việc gì phải. . kho óc khóc!? Tiếng khóc méo xẹo. Quát xong, Giảng vội quay mặt đi. Mũi tôi nghèn nghẹt. Sợ mình cũng không kìm được, tôi giơ tay ngang vai động đậy bàn tay chào tạm biệt mà không quay lại. Tôi cắm đầu đi như chạy trốn. Tới lưng chừng dốc, tôi mới dừng chân quay lại. Ba đứa vẫn đứng đấy nhìn theo bước tôi đi. Bỗng Lê An giơ khẩu AK, vẫy tôi, miệng mấp máy. Hình như An muốn nói với tôi điều gì. An cắm đầu chạy đến.
- Súng! Mày mang theo đi, có một mình trong rừng. . . An hổn hến, miệng nói, tay đẩy khẩu AK cho tôi.
- Không cần đâu. Tổ nặng. Có bốn ngày, mà đường cũ lo gì.
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.
Tôi không nhận vì phần ngại nặng, phần vì quá biết về khẩu AK này. Dời trạm khách 559 nhóm được giao khẩu AK với 30 viên đạn. An nhận mang súng. Một lần khi đường giao liên bộ cắt đường xe thì thấy đàn gà rừng. An bình tĩnh nép vào thân cây nhằm con gà mẹ cách khoảng hai chục mét. Nhìn con gà cỡ trên một cân, tôi nghĩ ngay đến bữa chiều ngập chân răng. Đoàng! Bụi đường tung lên, đám gà lủi sạch. Trên mặt đường một con gà bằng nắm tay nằm quay lơ. Con gà lúc nãy đứng cách xa mẹ độ gang tay chết không kịp ngáp. Súng ống như thế chỉ là gánh nợ, tôi chẳng dại.
Không biết Ga ga rin với Ti Tốp khi bay một mình trên tầu vũ trụ, có thấy bơ vơ không, chứ tôi một mình, một ba lô với cây gậy giữa đại ngàn thanh vắng chỉ có bước chân mình và tiếng tim đập trong ngực thì cảm giác cô đơn chới với đến rùng mình. Tiếng đập cánh của chim khi bị đánh động vụt bay đi cũng làm tôi cảnh giác. Cái cảm giác của kẻ bị tách khỏi đồng loại làm tôi thấy tủi thân. Thèm được nhìn thấy con người, thèm được nghe thấy tiếng người. . . nhưng xung quanh là rừng âm u, chỉ có cây và những âm thanh kỳ bí của đại ngàn. Chẳng còn cách nào hay hơn là tự nói chuyện với mình. Tôi kể chuyện người yêu của tôi cho tôi nghe. Rồi chuyện trên đường hành quân những ngày đã qua. . . Thôi chết! Có ai bắt gặp lại tưởng mình bị điên, bị tâm thần. Hay là Hát? Thế là tôi hát. “ Cúc cu, cúc cu. Chim rừng nghe trong nắng. Im nghe, im nghe. . .”. Miệng hát nhưng tai vẫ dỏng lên chờ đợi và cảnh giác. Cứ thế, hết bài này sang bài khác. Tiếng hát tắt lịm. Có tiếng người!? Đông lắm. Đúng rồi! Có đoàn quân đi vào. Chắc cũng phải cỡ tiểu đoàn như đã nhiều lần gặp trên đường vào.. Máu trong huyết quản như chảy nhanh hơn. Người ấm hẳn lên.
Tôi nép vào bên lề nhường đường cho đoàn quân. Họ trẻ lắm, trẻ hơn tôi đến 4, 5 tuổi. Ơ! Sao họ nhìn mình có vẻ hằn học thế nhỉ?
- Bốp!. . Ai đó đã đập gậy vào mũ cối trên đầu tôi. Chưa kịp định thần thì lại một gậy nữa, rồi một búng nước bọt trúng mặt. Những “ đôi mắt mang hình viên đạn” nhằm vào tôi.
- Đồ hèn! Đồ đào ngũ!?
- Nhục!
Ai? Tôi á? . . . Thôi chết rồi. Tôi đã ngược dòng đoàn quân ra trận. Súng không có lũi cũi một mình, quần áo “còn thơm mùi chính phủ”. Ối An ơi! Giá tao nghe lời mày mang theo khẩu súng! . . Phải tự cứu mình thôi, không thì nhừ đòn. Tôi như hét lên:
- Tôi không đào ngũ! Tôi đi công tác.
- Công tác gì. Mặt non choẹt. Bốp! Đoàn quân cứ đi, còn tôi bị ăn thêm mấy gậy nữa. May sao tôi nghĩ ra, tôi cởi vội ba lô tìm giấy công lệnh. Vừa vừa lúc một người mang súng ngắn đi đến. Tôi vội ôm chặt lấy người đó, giơ tờ Công lệnh ra.
- Đồng chí ơi! Cứu tôi. Không phải tôi đào ngũ. Tôi đi công tác!
- Người cán bộ gỡ tay tôi ra, nhìn tôi cảnh giác. Chỉ đến khi đọc xong tờ công
lệnh có con dấu đỏ chót của Sư đoàn đồng chí ấy mới tin.
Nhận lại tờ công lệnh, tôi nắm tay người cán bộ:
- Đừng đi vội, đồng chí ơi Đợi đoàn quân qua hết đã.
Hiểu ra hoàn cảnh của tôi, đồng chí ấy kéo tôi ngồi xuống vệ đường, lôi gói thuốc cuốn ra, véo cho tôi một điếu. Gần tháng nay chưa được hơi thuốc nào thế mà hút vào miệng đắng chát. Có một cậu đi tới, chắc là thèm thuốc lắm, thấy tôi như muốn nhổ điếu thuốc đi, xà xuống xin kéo một hơi. Tôi cho luôn cả điếu đang hút dở.
- Thôi chia tay nhé! Thông cảm. Nếu đồng chí đi trong hàng quân ra trận, đồng chí sẽ. . .
- Vâng. Tôi hiểu. Nhưng đồng chí ơi. Liệu có bộ phận nào tụt tạt đằng sau nữa không?
- Hết rôi…… Nếu có chỉ là đoàn đi lẻ. Họ là những cán bộ, họ sẽ hiểu thôi.
- Chia tay người cán bộ, lại một mình với rừng cây với con đường vắng. Dù chưa hết lo nhưng miệng vẫn buột ra lời hát:” Dù vắng ngôi sao giữa trời, tiếng trái tim hòa tiếng ca, bước chân dồn lên trên đường xa. . . “ Giọng hát chưa tròn vành rõ tiếng vẫn còn run run. Rồi Chào em cô gái Lam Hồng; Cùng anh tiến quân trên đường dài. . . Bất kể tông cao tông thấp, gam trưởng hay gam thứ, bất kể giọng đã khản đặc.
Mặt trời khuất sau bóng lá rừng thì tôi về đến trạm giao liên. Đã ở mấy ngày trước nên thông thổ. Tôi đi thẳng đến nhà hầm của trạm trưởng. Quân ra vào đông thế mà ông ta nhận ra tôi ngay.
- Sao quay lại. Không vào à?
- Đấy. Đến đồng chí cũng con nghi ngờ tôi huống gì. . . Rồi tôi kể cho ông ấy nghe chuyện xảy ra hôm nay. Nghe xong, đã không sót thì thôi, ông ta lại còn trách.
- Sao không tránh vào rừng?
- Ngay mai ông bố trí giao liên đi cùng tôi đến lúc đoàn đi qua, được không?
- Đồng chí thông cảm. Không còn người. Hôm nay bốn đồng chí đã vào trạm trong để cáng thương ra rồi. Quân vào kìn kìn, lo chuyện ăn cũng phải 4,5 người. Hay đồng chí ở lại thêm một ngày, hôm sau đi ra cùng cáng thương?
- Không được. Ba đứa bạn tôi, hôm nay chắc đã bắt tay vào nhiệm vụ rồi, tôi thì vẫn lông nhông trên đường. Mà binh trạm thế nào chẳng đã nhận được điện báo từ sư đoàn việc điều tôi ra. Tôi không muốn mang tiếng là né tránh nhiệm vụ. . . Thôi, được rồi. Tôi sẽ tìm cách. Mà này, trạm có dầu gì để bóp không? Các bố ấy nặng tay quá.
- Đêm Trường Sơn trở lại nguyên dáng vẻ của nó. Chắc cũng khoảng 8 giờ thôi nhưng các cánh võng đã hết đong đưa. Chỉ còn âm thanh của núi rừng về đêm là còn thức. Tiếng tắc kè “ Sắp về “ não nuột, khê nồng. Tiếng nai tác gọi đàn thiết tha. Tiếng con suối dưới chân dốc thủ thỉ. Vết gậy được bóp dầu đỡ nhức nhiều. Nằm nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra cách gì để tránh đòn ngày mai.
- Chỉ còn cách lánh vào rừng ngồi đợi chờ đoàn đi qua? Không xong! Nhỡ vấp phải mìn hay gặp rắn dết, thú dữ. Rồi biết đâu có bố nào lại tạt vào rừng giải quyết bầu tâm sự, tưởng mình là biệt kích, đòm cho một phát thì. . .Tôi rùng mình khi nhớ câu” Trường Sơn có 36 kiểu chết”.
Bông đâu trong đầu tôi lóe lên. . .Hay! Đúng là mình thuộc diện thông minh. Bỗng đâu câu thơ trong bài “ Hạo nhiên” ( của ai, chẳng nhớ ) bật ra:” Hạo nhiên ở tại người ta. . .”
Rồi giấc ngủ ập đến. Chưa sáng rõ, tôi đã mò xuống nhà bếp nhận xuất ăn. Sau khi đã nạp một phần vào bụng, còn lại lèn cả vào Hăng gô, tôi lên đường. Chia tay tôi, trạm trưởng còn tỏ ra áy náy. Tôi gạt đi.
- Ông yên tâm. Tôi có cách rồi. Tạm biệt! Hẹn gặp ở Binh trạm. Bắt vào tuyến đường, tôi liền rảo bước. Phần vì hứng khởi bới sáng kiến nghĩ ra đêm qua,, phần muốn bù lại đoạn đường sẽ phát sinh theo kế hoạch, tôi quên cả đói.
Không hiểu sao, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu rồi mà chưa thấy động tĩnh gì. Càng tốt. Đến sớm phải tắm một cái. Nghĩ gì thì nghĩ, tai tôi vẫn giỏng lên như tai thỏ.
Có tiếng người! Có cả tiếng hát từ đài nữa thì phải. Không sai đúng là quân vào. Tôi bước vào vệ đường, ngồi quay lưng lại, ôm bụng.
- Kìa, đồng hương! Sao thế! Nghe tiếng hỏi, tôi ngoái lại.. Cái tay hỏi tôi chắc là liên lạc, vì ngoài ba lô trên lưng, khấu AK khoác vai, hắn còn đeo thêm chiếc đài orionton to đùng đang oang oang tiếng hát của Tuyết Thanh.
- Không hiểu ăn phải cái gì mà đau bụng từ lúc ra khỏi trạm. Phải tạt vào rừng ba bốn bận rồi.
- Đi vào hay đi ra?
- Đi, đi vào chứ sao lại đi ra.
- Đoàn cậu đông không?
- Đông. Đi trước rồi.
- Bị Tào Tháo đuổi rồi. Mệt lắm phải không? Thôi. Để bọn tớ đỡ một tay. Ê, các cậu! . .
Trong lúc tôi và tay liên lạc nói chuyện, đoàn quân vẫn cắm cúi đi. Nghe cậu liên lạc gọi, tôi chưa kịp phản ứng thì đã bị hai chàng lính trẻ tới xốc tôi đứng dậy. Rồi thì ba lô, túi gạo họ truyền cho nhau mang hộ. Đoàn quân cuốn tôi đi về phía tiền phương. Cậu liên lạc còn vỗ vào miệng tôi mấy viên thuốc, rồi đưa bi đông nước.
- Xuyên tâm liên đấy. Hơi đắng một tí nhưng sẽ tịt ngòi ngay!?
Đoàn về đến trạm thì đã muộn lắm rồi. Đến lúc này tôi mới nhận được đồ đạc của mình. Cơm trong hăng gô đã thiu. Bụng đói, mấy viên thuốc khỉ gió làm bụng tôi cồn cào thêm.
- Kìa, đồng hương! Sao quay lại? Thấy tôi, trạm trưởng chạy đến vồn vã hỏi.
- Biết thế tôi nghe lời ông ở lại sáng mai đi cùng thương binh. . . Rồi tôi kể lại chuyện đã xảy ra. Anh ta rũ ra cười, còn tôi không nhếch nổi mép, vừa đói, vừa mệt, vừa tức.
- Tại nước da cậu đấy. Dáng lại như học trò. Bao giờ có nước da kỳ đà như bọn tôi thì đến muỗi cũng không thèm động đến.
Rồi tôi cũng về được đến binh trạm bộ 37. Đáng nhẽ 4 ngày thành 5. Những ngày sau đó, tôi đi cùng tốp cáng thương binh ra Bắc. Ấy thế mà mỗi khi gặp đoàn quân đi vào, tôi vẫn cẩn thận lủi vào giữa những đội hình xin được đỡ vai cáng thương một đoạn. Vô phúc có hôm, gặp phải doàn lớn đi vào, Vai đau lắm rồi vẫn phải cắn răng chịu trận. Tất nhiên tối đó lại phải xin dầu nóng để bóp vai.
Tháng sau là tròn 50 năm ra trường, cũng là 50 năm ngày vào chiến trường. Kỷ niệm nhiều, nhưng nếu ai hỏi trong đời tôi sợ gì nhất, xin thưa: Tôi sợ nhất là bị ĂN ĐÒN QUÂN TA. ( NKC)
Hết.
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/an-don-quan-ta-a17878.html