Dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương

Còi xương là chứng rối loạn thiếu hụt vitamin D và canxi dẫn đến xương bị suy yếu và biến dạng. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em từ 3 đến 18 tháng tuổi.

 Trẻ bị còi xương thường do cơ thể thiếu vitamin D hoặc canxi. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Trẻ bị còi xương thường do cơ thể thiếu vitamin D hoặc canxi. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Còi xương là bệnh về xương có thể phòng ngừa được do thiếu vitamin D và canxi. Nó xảy ra ở trẻ em trong giai đoạn đang lớn và dẫn đến xương mềm, yếu hơn, uốn cong thành hình dạng bất thường hoặc gãy xương.

Bệnh còi xương thường phổ biến ở trẻ sơ sinh từ 3 đến 18 tháng tuổi. Bệnh ở trẻ dưới 1 tuổi chủ yếu do thiếu vitamin D. Bổ sung sớm đầy đủ vitamin D và canxi, bệnh còi xương có thể được điều trị hiệu quả. Nếu không được điều trị, bệnh dễ gây ra tình trạng khuyết tật thể chất vĩnh viễn.

Triệu chứng điển hình

Theo Firstcry Parenting, các triệu chứng của bệnh còi xương bao gồm:

Đau hoặc nhức ở xương cánh tay, chân, cột sống và xương chậu
Tầm vóc thấp và tăng trưởng còi cọc
Xương yếu dễ gãy
Chuột rút cơ bắp, trường hợp nặng có thể co giật

Các vấn đề về răng miệng như:

Chậm mọc răng
Mòn men răng và tạo lỗ
Khuyết tật ở răng
Số lượng răng sâu cao
Áp xe

Các biến dạng xương như:

Chân vòng kiềng; đôi chân trông cong như cánh cung
Hộp sọ có hình dạng kỳ lạ
Xương ức nhô ra
Cột sống cong kỳ lạ
Biến dạng ở xương chậu
Những vết sưng ở lồng ngực
Mắt cá chân và cổ tay dày lên.

Theo Mayo Clinic, nếu không được điều trị, bệnh còi xương có thể gây ra các biến dạng về thể chất và những ảnh hưởng nghiêm trọng như không thể phát triển, cột sống cong bất thường, dị tật ở tứ chi và khuyết tật về răng. Chậm mọc răng đi kèm với tình trạng men răng yếu và răng không đều.

Ở trẻ sơ sinh, còi xương có thể dẫn đến chậm đóng thóp trước - điểm mềm trên đỉnh hộp sọ của trẻ. Trong trường hợp còi xương nặng với lượng canxi trong máu rất thấp, trẻ có thể bị co giật. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế và cần được điều trị ngay lập tức.

 Chân bị vòng kiềng là một trong những biểu hiện điển hình khi trẻ bị còi xương. Ảnh minh họa: Theasianparent.

Chân bị vòng kiềng là một trong những biểu hiện điển hình khi trẻ bị còi xương. Ảnh minh họa: Theasianparent.

Ai có nguy cơ mắc bệnh còi xương?

Bệnh còi xương chủ yếu là do không đủ lượng:

Vitamin D (thông qua chế độ ăn uống hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời)
Canxi trong chế độ ăn uống
Cả vitamin D và canxi

Trẻ sơ sinh và trẻ em có nguy cơ mắc bệnh còi xương cao nhất. Trẻ em xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khó bị suy dinh dưỡng có nguy cơ cao. Trẻ ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể bị thiếu vitamin D vì ánh sáng mặt trời cần thiết cho quá trình sản xuất vitamin D.

Những người lớn lên theo chế độ thuần chay, không ăn các sản phẩm từ sữa và nhận được ít canxi hơn. Việc thiếu cả vitamin D và canxi sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh còi xương cao nhất ở trẻ em.

Những yếu tố nguy cơ khác liên quan đến trẻ em mắc các bệnh cản trở sự hấp thụ vitamin D như bệnh viêm ruột, bệnh celiac, xơ nang và các vấn đề liên quan đến thận.

Vitamin D được sản xuất tự nhiên trong cơ thể khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nó cũng được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá có dầu và trứng. Sự thiếu hụt vitamin D khiến cơ thể không thể hấp thụ canxi và phốt pho. Canxi chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa như sữa và rất cần thiết để trẻ phát triển xương chắc khỏe.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dau-hieu-nhan-biet-tre-bi-coi-xuong-post1501754.html