An Giang bảo vệ môi trường làng nghề

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường làng nghề luôn được tỉnh quan tâm triển khai, đảm bảo yêu cầu theo quy định; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề tại địa phương được kiện toàn; 19/29 làng nghề thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường; 12/29 làng nghề đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của địa phương.

Toàn tỉnh An Giang có 29 làng nghề được công nhận với 3.846 hộ, giải quyết việc làm cho gần 12.100 lao động, mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Các làng nghề được tỉnh phân loại thành 3 nhóm ngành nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan đát, cơ khí nhỏ; dịch vụ phục vụ sản xuất đời sống dân cư nông thôn. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường tại các làng nghề đã được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo lượng chất thải phát sinh được thu gom, quản lý, xử lý theo đúng quy định.

Tuy nhiên cơ sở vật chất của các hộ trong làng nghề còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề chủ yếu là trong nước, một số ít được xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, một số cơ sở (có quy mô tương đối) tích cực tìm kiếm thị trường thông qua hội chợ, quảng bá sản phẩm, như: Mắm, đường thốt nốt, rèn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Làng nghề lò trấu Long Điền B

Các làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ, phần lớn là hộ gia đình, chưa được xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Làng nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư, gắn liền sinh hoạt của người dân, nên khó quy hoạch tập trung và di dời các cơ sở này vào khu, cụm công nghiệp. Ngân sách chưa đáp ứng để thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề. Vốn đầu tư của hộ sản xuất tại làng nghề quá thấp, khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Do đó, khó chủ động đổi mới kỹ thuật và công nghệ, khó tập trung đầu tư cho xử lý môi trường.

UBND tỉnh cho biết, để theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường làng nghề, tỉnh đã quan trắc chất lượng môi trường không khí tại làng nghề sản xuất dây keo Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), tần suất 2 lần/năm. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng không khí đảm bảo tốt theo QCVN 05:2013/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, chỉ ô nhiễm nhẹ bởi tiếng ồn.

Đối với làng nghề lò trấu, đóng xuồng ghe, đan đát, nón lá, đan giỏ ny-lon (huyện Chợ Mới), hoạt động theo quy mô hộ gia đình, không đăng ký kinh doanh, tỉnh yêu cầu UBND xã cho các hộ làm cam kết xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động đúng quy định, không được thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài.

Làng nghề đóng xuồng ghe Mỹ Hiệp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, nguồn gây ô nhiễm môi trường làng nghề chủ yếu là chất thải rắn thông thường, phát sinh từ hoạt động của hộ gia đình, công nhân, lao động tại cơ sở... Mỗi hộ sản xuất trong làng nghề tự trang bị thùng chứa rác hoặc chứa trong túi ny-lon để thu gom, tập trung ven tuyến đường cho xe của Xí nghiệp môi trường đô thị huyện đến thu gom và xử lý. Mỗi loại hình làng nghề đều phát sinh nguồn chất thải sản xuất khác nhau, nhưng hộ dân tự xử lý, tái sử dụng làm chất đốt; bán cho đơn vị có nhu cầu hoặc chuyển giao cho đơn vị thu gom rác vận chuyển xử lý.

Qua thống kê, toàn tỉnh An Giang có 17/29 làng nghề phát sinh chất thải nguy hại. Tuy nhiên, các loại chất thải này hiện đang được xử lý như rác thải sinh hoạt, tại làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống (bánh phồng Phú Mỹ, rèn Phú Mỹ, mộc gia dụng Tấn Mỹ, mộc Chợ Thủ, mộc Mỹ Luông, dây keo Mỹ Hội Đông, lò trấu Long Điền B...).

Có 9/29 làng nghề phát sinh nước thải sản xuất với lưu lượng khoảng 0,0036-1,49m3/hộ/ngày, xả thải ra môi trường tự nhiên mà chưa qua xử lý. Ngoại trừ một số hộ sản xuất của làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống bánh phồng Phú Mỹ có bố trí bể lắng sơ bộ tự nhiên trước khi xả ra sông Tiền, còn lại chưa được trang bị hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, ngành tài nguyên và môi trường hỗ trợ làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, làm chuyển biến nhận thức của chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh làng nghề; huy động được cộng đồng tham gia vệ sinh cống rãnh và bụi rậm, xử lý rác thải, thành lập 20 tổ mô hình bảo vệ môi trường, hỗ trợ thùng chứa rác... Đến nay, 25 làng nghề thực hiện phương án bảo vệ môi trường. Riêng cơ sở sản xuất - kinh doanh trong làng nghề thuộc xã nông thôn mới đều ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc được xác nhận thủ tục hành chính về môi trường.

Năm 2022, tỉnh An Giang tiếp tục hướng dẫn thực hiện thủ tục bảo vệ môi trường cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuộc làng nghề; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Lập phương án bảo vệ môi trường đối với làng nghề còn lại để khắc phục, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường. Tăng cường quan trắc, giám sát môi trường làng nghề và kiểm kê nguồn thải. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường làng nghề, nhằm nâng cao năng lực quản lý, ý thức chấp hành trong sản xuất - kinh doanh.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-bao-ve-moi-truong-lang-nghe-a332571.html