An Giang cần đề ra những định hướng mới, tăng tốc phát triển
Sáng 28/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tiếp xúc cử tri trên địa bàn thành phố Long Xuyên trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, ông Trình Lam Sinh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã thông báo với cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và những vấn đề liên quan đến kỳ họp; kết quả và hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong 9 tháng của năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; thông tin nhanh kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Long Xuyên thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp Trung ương và UBND tỉnh tại các cuộc tiếp xúc trước và sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cử tri các phường:Mỹ Xuyên, Mỹ Long, Mỹ Bình, Mỹ Hòa,…bày tỏ những ý kiến, kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, chính quyền các cấp. Đó là tình trạng biến đổi khí hậu gây sạt lở đất bờ sông, bờ biển, sạt lở núi; vấn đề quy hoạch đô thị phải mang tính lâu dài và bền vững; quản lý xây dựng, bảo đảm an toàn cháy nổ, phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng…
Nhiều ý kiến cử tri đề cập tới một số bất cập trong Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay, nhất là vấn đề sách giáo khoa, đề nghị chỉ nên có một bộ sách giáo khoa cho từng lớp học (theo chương trình mới) trong phạm vi cả nước thay vì để từng trường chọn một bộ sách như hiện nay. Đặc biệt sách giáo khoa không được sử dụng lại nên hằng năm tốn hàng nghìn tỷ đồng để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình nghèo…
Cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với các gia đình có công với cách mạnh, cả về vật chất và tinh thần; xây dựng, sửa đổi Luật Đất đai cần theo kịp sự phát triển của xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…
Theo cử tri Nguyễn Thị Hậu (phường Mỹ Long), vấn đề đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018 đến nay đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp và gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn. Cử tri Nguyễn Thị Hậu đề nghị, kỳ họp lần này, Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông.
Trước những tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở đất bờ sông, bờ biển, sạt lở núi…, cử tri Nguyễn Thị Hậu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài, mang tính căn cơ để phòng, chống sạt lở; quản lý chặt việc cấp phép xây dựng, tăng cường bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho nhiều thế hệ tương lai.
Đồng tình với các ý kiến trên, cử tri Lê Văn Ấm (phường Mỹ Xuyên) cho rằng, việc đổi mới giáo dục bước đầu đã mang lại một số kết quả nhất định, chất lượng giáo dục phổ thông đã được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng, giảm áp lực thành tích. Tuy nhiên, chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách" với sự bất nhất, thiếu khoa học trong triển khai khiến sách giáo khoa không được tái sử dụng, hàng chục nghìn cuốn dùng một năm rồi bỏ, đây là sự lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, vấn đề liên quan đến giáo dục được cử tri đặc biệt quan tâm và đã kiến nghị rất nhiều lần với Quốc hội. Trong các diễn đàn của Quốc hội, nhiều ý kiến đã đề cập đến vấn đề sách giáo khoa, vấn đề đổi mới giáo dục. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang ghi nhận và trên từng góc độ công việc sẽ có những kiến nghị ở từng diễn đàn phù hợp, hướng tới mục tiêu làm tốt nhất công tác đổi mới giáo dục, đào tạo, đáp ứng được yêu cầu cũng như tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, cử tri, phụ huynh học sinh. Qua đó, góp phần xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lại có chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu phát triển đất nước theo mục tiêu, tầm nhìn Đại hội XIII đã đề ra.
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, giáo dục, đào tạo hiện đang còn nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh đa chiều. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang sẽ tiếp tục theo dõi công tác đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ với mục tiêu hoàn thiện hơn đối với vấn đề đổi mới giáo dục, đào tạo.
Là một tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Tây Nam Bộ, ngoài những khó khăn chung của cả nước, An Giang còn có những khó khăn riêng của địa phương và của vùng, đó là vấn đề nông nghiệp, nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu… Do đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo tỉnh cần tranh thủ các nguồn lực, phát huy sức mạnh của nhân dân, cùng nhau vượt qua những khó khăn, đề ra những định hướng phát triển mới, đưa quê hương An Giang - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng phát triển và giàu mạnh.